40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Khát vọng nơi biên cương

Có khát vọng thẳm sâu trong mỗi người dân Việt Nam, đó là Hòa Bình. Khát vọng ấy càng cháy bỏng nơi biên cương, trong trái tim biết bao thế hệ đánh đổi xương máu để giành, giữ từng tấc đất thiêng liêng của đất nước qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc.

Bốn mươi năm kể từ ngày 17 tháng 2 năm 1979, ký ức của những người đi giữ đất nơi địa đầu phía Bắc của Tổ quốc lại dội về. Vừa ẩn chứa những đau thương, mất mát, vừa tự hào về ý chí kiên cường, trái tim kiêu hãnh của một dân tộc yêu chuộng Hòa Bình, ký ức đó còn gợi nhắc nơi bên kia biên giới, về giá trị, cách xây dựng niềm tin cho hòa bình, hữu nghị.

Hướng tới Kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu chùm 3 bài: “Khát vọng nơi biên cương”.

Bài 1: Nén hương tháng Hai

Chú thích ảnh
Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn.
Ảnh: Tạ Hải/ TTXVN

Nghĩa trang liệt sĩ Mường Khương nằm cách thành phố Lào Cai khoảng 55km, trên vùng núi cao cheo leo, hiểm trở. Sa mộc mọc xanh ngắt ba phía chung quanh Đài Tổ quốc ghi công. Dưới bóng loài cây lá kim là mộ phần hàng trăm người con anh dũng nằm lại đất này những ngày tháng 2 năm 1979…

Sáng tháng Hai, chị Nguyễn Thị Thanh Tính đứng như hóa đá trước phần mộ chồng mình - Liệt sĩ Nguyễn Văn Lợi, trong Nghĩa trang Liệt sĩ Mường Khương. Vai gầy rung lên, người phụ nữ tóc đã pha sương bưng mặt, những giọt nước ứa ra từ đôi mắt đỏ hoe.

Rạng sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, sau những loạt  đạn pháo hạng nặng nện xuống mảnh đất Mường Khương là “biển người” cùng xe tăng từ bên kia biên giới phía Bắc tràn sang. Biên phòng, bộ đội địa phương cùng người dân anh dũng giáng trả. Trận chiến ấy, nhiều người đã ngã xuống để chặn bước tiến của quân thù, trong đó có chồng chị Tính, Liệt sĩ Nguyễn Văn Lợi.

Trân trân nhìn làn khói mỏng bay lên từ những nén hương trước phần mộ của chồng, chị Tính nghẹn ngào: Để ngăn địch theo cầu Sao Đỏ tấn công vào thị trấn của huyện Mường Khương, “anh ôm mìn định giật sập cầu thì trúng đạn quân thù rồi hy sinh”. Hai ngày sau, chị nhận được tin dữ từ đồng đội anh ở Huyện đội Mường Khương báo về.

Cách không xa người đàn bà góa là một cựu chiến binh tóc đã bạc màu, lặng lẽ đặt bó hoa hồng trắng trước Đài Tổ quốc ghi công. Tại những phần mộ ghi “Liệt sĩ chưa biết tên”, ông ngồi lại rất lâu như trò chuyện, nhắn nhủ với đồng đội của mình hãy yên lòng an nghỉ.

Dừng bước trước một phần mộ, bàn tay người cựu chiến binh run run cắm một nén nhang vào bát hương. Ông lặng lẽ bảo, tên ông là Lê Văn Định. Người nằm dưới mộ là đồng đội của ông tại Đồn Biên phòng Mường Khương - Liệt sĩ Đỗ Văn Bảy, quê ở Thái Bình. “Cậu ấy trẻ lắm, hy sinh khi mới 17 tuổi. Chúng tôi hay đùa, bảo sẽ để Bảy về quê. Cậu ấy thật thà nói, em mới ra trường, không biết đường đâu, em đi lạc đấy. Bảy nằm xuống khi trúng đạn giặc”, ông Định trầm mặc nói.

Chú thích ảnh
Chiến sĩ Đoàn 3 pháo binh tỉnh Hoàng Liên Sơn dội bão lửa trừng trị quân địch, ngày 10/3/1979. Ảnh: Phùng Triệu/TTXVN

Người cựu chiến binh quê gốc Nam Định này đã nhiều đêm không ngủ, trong ông lại dội về tiếng rít của đạn pháo, tiếng xích xe tăng nghiến lên mảnh đất biên giới và tiếng súng của quân dân Lào Cai anh dũng giáng trả, chặn bước tiến của địch. “Rạng sáng 17 tháng 2, hai chiếc xe tăng cùng rất đông, phải đến 1 trung đoàn địch tiến về hướng cửa Đồn. Chiến sĩ Vũ Văn Minh ôm khẩu B40 nhắm bắn chiếc xe tăng đi trước thì bị trúng đạn từ khẩu 12 ly 7 của địch từ dốc Choán Ván quạt xuống. Một chiến sĩ biên phòng tên là Tình nổ phát súng B40 khác, trúng đích. Chiến sĩ của Đồn cùng dân và lực lượng bộ đội địa phương bắn chặn chiếc còn lại. Xe tăng tiếp viện cùng đám lính ào tới. Tôi bảo, tất cả nằm xuống. Tôi lấy khẩu trung liên rê một nhát hết luôn cả dây, nhiều tên gục xuống, một đám thấy thế liền bỏ chạy”, ông Lê Văn Định kể lại.

“Ở đồn Mường Khương, ta với đối phương giành giật nhau từng điểm cao. Dù bị bao vây, lực lượng họ đông gấp nhiều lần nhưng chúng tôi vẫn giữ vững trận địa. Đến khi gần hết đạn, lương thực dần cạn kiệt, khó có thể bám trụ chiến đấu lâu dài, đơn vị được lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng”, ông Định hồi nhớ.

Trời Mường Khương sáng tháng Hai sương phủ trắng. Gió núi biên viễn thổi ào ạt. Người phụ nữ góa bụa và người cựu chiến binh đi giữa những làn khói mỏng bay lên từ hai hàng mộ chí liệt sĩ như sự kết nối hiện tại với quá khứ. Kết nối đó khắc ghi vào lịch sử dân tộc: Mảnh đất Lào Cai chỉ là một trong sáu tỉnh biên giới có những người lính ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc trước hơn nửa triệu quân cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới từ bên kia biên giới tràn qua hồi mờ sáng ngày 17 tháng 2 bốn mươi năm trước. “Biển người” đó đồng loạt tấn công từ Pa Nậm Cúm - Lai Châu đến Pò Hèn - Quảng Ninh trên chiều dài 1.200 km, với những cái cớ tự tạo ra là, nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Chú thích ảnh
Cầu Hồ Kiều ở thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai) bị địch dùng thuốc nổ phá sập khi rút lui, cuối tháng 3/1979. Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN

Như tại mặt trận Hoàng Liên Sơn, hai Quân đoàn 13, 14 cùng xe tăng, xe bọc thép, pháo binh địch chia làm hai cánh đánh vào Hữu ngạn và Tả ngạn sông Hồng. Cánh tiến công theo Hữu ngạn sông Hồng đánh vào thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường. Cánh còn lại theo Tả ngạn sông Hồng đánh vào Mường Khương, Bản Phiệt, Phố Lu. Từ ngày 19/2 đến ngày 5/3, chúng lần lượt tiến được vào thị xã Lào Cai, thị xã Cam Đường, Cốc San, Phố Lu, Sa Pa. Nhưng có tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam được 40km, quân thù cũng không còn khả năng để tiếp tục tiến công do bị dân và quân địa phương ta chặn đánh. Vấp phải sự kháng cự quyết liệt của dân và quân địa phương Việt Nam ở nơi biên ải Tổ quốc, bị thiệt hại nặng nề, đối phương buộc phải chấp nhận thất bại cay đắng, tuyên bố rút quân vào ngày 5/3/1979.

Nhớ lại thời điểm này, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 316 – người tham gia chiến đấu trực tiếp trong giai đoạn 1979 -1989 nói: Đất nước vừa ra khỏi hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, lại đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở phía biên giới Tây Nam, Việt Nam mong muốn hòa bình, dù lúc đó, các quân đoàn chủ lực từ  biên giới Tây Nam về đã cơ động lên biên giới phía Bắc và vào vị trí chiến đấu, sẵn sàng tiêu diệt quân xâm lược. 

Mặc dù nói rút quân, song thực tế sau ngày 18/3/1979  phía đối phương vẫn chiếm đóng một số điểm cao ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên. Tháng 4 năm 1984 đến tháng 5 năm 1989, hàng chục vạn quân từ bên kia biên giới lại tràn sang đánh chiếm biên giới Vị Xuyên. Cả dân tộc Việt Nam  lại oằn mình bước vào cuộc chiến chống xâm lấn biên giới.

 Bài 2: Tiếng gọi Tổ quốc

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc 1979: Thắng lợi và bài học lịch sử 
Chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc 1979: Thắng lợi và bài học lịch sử 

Ngày 17/2/1979, thực hiện kế hoạch vạch ra từ trước, nhà cầm quyền Trung Quốc đã phát động cuộc tiến công quy mô lớn xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN