45 năm vụ thảm sát Hà My: 'Thành thật xin lỗi Việt Nam'

Ngày 5/3 (nhằm ngày 24 tháng Giêng năm Quý Tỵ), tại Đài Tưởng niệm làng Hà My (xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã diễn ra Lễ tưởng niệm 45 năm vụ thảm sát Hà My.

Tham dự buổi lễ có đại diện Đoàn Bảo tàng Hoà Bình - Hàn Quốc (tiền thân là Ủy ban sự thật về chiến tranh Việt Nam của Hàn Quốc); Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Nam; đại diện các ban ngành chức năng cùng đông đảo nhân chứng, thân nhân của những người bị thảm sát.

Mở đầu buổi lễ, đại diện Ban liên lạc vụ thảm sát đã dâng hương cùng lễ vật đến vong linh những người đã khuất, cầu mong cho linh hồn những người bị sát hại được siêu thoát.

Vụ thảm sát Hà My xảy ra vào sáng 24 tháng Giêng năm Mậu Thân (19) do Lữ đoàn Rồng Xanh, Hàn Quốc gây ra, làm 135 người thiệt mạng, trong đó chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em.

Anh Nguyễn Thanh Nam, là nhân chứng sống sót cho biết: Hồi đó tôi chỉ mới hơn 10 tuổi, đang ngồi trong nhà với ông nội thì được ông kéo vào trong hầm dưới ban thờ nên thoát chết, trong khi hơn một trăm người dân vô tội chết mà không hiểu lý do vì sao mình phải chết, trong đó có mẹ và 2 em ruột của tôi.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng tội ác của lính Lữ đoàn Rồng Xanh thì còn luôn khắc ghi trong tâm khảm của những người dân nơi đây và nhân dân yêu chuộng hoà bình. Tội ác đó đã làm lay động, thức tỉnh lương tri của những con người sống vì lẽ phải, sống để yêu thương, trong đó có những người đến từ Hàn Quốc.

Ông Han Hong Koo, Giám đốc bảo tàng Hoà Bình – Hàn Quốc rưng rưng: "Suốt mấy chục năm trời, chúng tôi không hề hay biết sự thật về những nỗi kinh hoàng như vậy đã xảy ra. Trong sự ăn năn, trong nỗi xấu hổ, chúng tôi chỉ biết nghiêng mình: Thành thật xin lỗi Việt Nam!"

Nỗi đau của vụ thảm sát vẫn còn đó, những chứng nhân lịch sử vẫn còn sống, Đài Tưởng niệm vẫn luôn sừng sững với thời gian, khắc ghi nỗi đau của người dân làng Hà My. Tuy nhiên, với truyền thống “lấy ân trả oán”, những người dân Hà My đã phần nào tha thứ cho tội ác của Lữ đoàn Rồng Xanh.

Họ đã gác lại quá khứ, cùng chung tay với những người dân yêu chuộng hoà bình thế giới, trong đó có người dân yêu chuộng hoà bình Hàn Quốc để cùng chung sức cho “nước sông hoà bình tuôn chảy qua từng khe sâu của vết thương”.



Nguyễn Sơn
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN