Đánh giá về dư luận người dân Mỹ về việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, Tiến sĩ Andrew Wells-Dang cho rằng nhìn lại Hiệp định Paris 1973, người dân Mỹ nhớ đến tầm quan trọng của hiệp định trong việc đưa các binh sĩ Mỹ đang tham chiến ở Việt Nam về nước, trao trả tù binh chiến tranh và gián tiếp dẫn đến việc chấm dứt chế độ quân dịch ở Mỹ. Vào đầu những năm 1970, đa số người Mỹ, trong đó có nhiều quân nhân và cựu chiến binh, tin rằng chiến tranh Việt Nam là sai lầm và Mỹ nên đàm phán để đạt được một thỏa thuận hòa bình.
Theo quan điểm của Tiến sĩ Wells-Dang, Tổng thống Richard Nixon vào thời điểm đó đã nhận ra rằng cuộc chiến này không được lòng dân và tìm cách chấm dứt chiến tranh trong khi vẫn giữ được danh dự và uy tín của Mỹ.
Trên thực tế, cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên để đi đến ký kết Hiệp định Paris đã mất hơn 4 năm để hoàn tất. Trong thời kỳ đó, hàng nghìn người Mỹ và hàng vạn người Việt Nam ở cả hai bên đã thiệt mạng. Mặc dù Hiệp định Paris chưa hoàn toàn chấm dứt cuộc xung đột ở Đông Dương, nhưng tầm quan trọng hàng đầu của hiệp định này là giảm bớt sự giết chóc và tàn phá ở Việt Nam.
Về ý nghĩa của Hiệp định Paris, Tiến sĩ Andrew Wells-Dang nhận định, sau khi chiến tranh kết thúc, Mỹ và Việt Nam thống nhất đã thiết lập lại quan hệ ngoại giao và xây dựng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, cả giữa chính phủ và giữa nhân dân hai nước. Sự hợp tác này bao gồm sự hỗ trợ của Mỹ để khắc phục các hậu quả chiến tranh như bom mìn và chất độc da cam - điều đã được đề cập đến trong Hiệp định Paris.
Năm 2023 cũng đánh dấu kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ được ký kết vào năm 2013. Theo Tiến sĩ Andrew Wells-Dang, mối quan hệ đối tác này cho thấy rằng hòa bình giữa hai nước là có thể. Nền hòa bình thực sự đó đã có thể diễn ra ngay từ năm 1973, nhưng trên thực tế hai nước đã phải đi một chặng đường dài mới thực hiện được. Hiệp định Paris là bước quan trọng hướng tới giải pháp chính trị sau chiến tranh mà cần 20 năm hoặc lâu hơn mới được hoạch định một cách đầy đủ.
Tiến sĩ Andrew Wells-Dang là người có nhiều gắn bó với đất nước và con người Việt Nam. Ông từng có thời gian 20 năm sinh sống ở Việt Nam, trong đó có 8 năm ở Hà Nội và 12 năm sống ở Hội An. Ông lấy vợ là người Việt Nam và mới cùng gia đình trở về Mỹ sinh sống từ năm 2019. Lĩnh vực hoạt động chính của ông tại Viện Hòa bình Mỹ là cùng một nhóm chuyên gia về châu Á xây dựng những dự án khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, thực hiện các hội thảo chuyên đề về di sản chiến tranh, qua đó hàn gắn vết thương chiến tranh, đưa quan hệ Mỹ - Việt hướng tới tương lai của hòa bình và phát triển.