67 năm CMT8 và Quốc khánh 2/9: Lịch sử, dấu ấn và tương lai

Cách đây 67 năm, Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Sau đó, là thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội khóa I năm 1946. Những sự kiện lịch sử trọng đại này của dân tộc, có mạch nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng, gắn với Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào - hình ảnh tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


Từ “Hội nghị Diên Hồng lần thứ 2”


Sau khi Phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) từ ngày 13 đến 15/8/1945, đã nhận định cơ hội cho nhân dân Việt Nam giành độc lập đã tới, điều kiện cho cuộc khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi. Hội nghị đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu – TTXVN


Ngày 16/8/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh đã quyết định khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân ngay tại Đình Tân Trào, huyện Sơn Dương. Tham dự Đại hội, có hơn 60 đại biểu đại diện cho các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo, có cả đại biểu từ Nam bộ, miền Nam Trung bộ và Việt kiều ở Thái Lan, ở Lào về dự.


Thể hiện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước quyết định vận mệnh của dân tộc, Đại hội tán thành chủ trương của Đảng và Tổng bộ Việt Minh về Tổng khởi nghĩa; quyết định lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội cũng quyết định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, Quốc ca là bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao.


Đặc biệt, 10 chính sách lớn của Việt Minh đã được Đại hội thông qua như: Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập; võ trang nhân dân, phát triển Quân giải phóng Việt Nam; ban bố những quyền của dân, cho dân: nhân quyền; tài quyền (quyền sở hữu); dân quyền; quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền; chia lại ruộng đất cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn dân; ban bố Luật Lao động: Ngày làm 8 giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm; xây dựng nền kinh tế quốc dân, nền quốc dân giáo dục, kiến thiết nền văn hóa mới...


Thắng lợi của Đại hội đại biểu quốc dân là một biểu hiện sáng tạo độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận dụng và thực thi từng bước tư tưởng dân quyền ngay trong tiến trình đấu tranh giành quyền độc lập dân tộc bằng hình thức tổ chức Quốc dân Đại hội để thông qua quyết sách chuyển xoay vận nước bằng Tổng khởi nghĩa, xóa bỏ chế độ cũ, thi hành 10 chính sách của Việt Minh, đặt cơ sở mang tính pháp lý cách mạng đầu tiên cho một chế độ mới của dân, do dân và vì dân.

 
Đại hội là một chủ trương sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là “Hội nghị Diên Hồng lần thứ 2” trong lịch sử nước ta, thể hiện lòng tin sắt đá của nhân dân cả nước đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Quốc dân Đại hội Tân Trào có ý nghĩa là một Quốc hội lâm thời, hay một tiền Quốc hội. Quốc dân Đại hội tạo căn cứ pháp lý cho sự ra đời chế độ cộng hòa dân chủ của nước ta, cho một Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi cách mạng đã thành công. Đại hội thông qua Chương trình 10 điểm giao cho Ủy ban giải phóng thi hành. Có thể coi chương trình 10 điểm này như là Hiến pháp lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.


Đến trang sử hào hùng


Quốc dân Đại hội bế mạc trong không khí Tổng khởi nghĩa sôi sục. Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng đã gửi thư kêu gọi đồng bào toàn quốc trước giờ phút đấu tranh quyết liệt và khẩn trương: Tổng khởi nghĩa. Bức thư có đoạn viết: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.


Từ quyết sách Tổng khởi nghĩa và thư kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sài Gòn (25/8). Trong đó, cuộc khởi nghĩa nổ ra thắng lợi ở Hà Nội ngày 19/8, đã gây một tiếng vang lớn, góp phần làm tan rã nhanh chóng hệ thống bộ máy chính quyền tay sai của Nhật trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 25 triệu đồng bào ta, với tinh thần "đem sức ta mà giải phóng cho ta" đã nhất tề vùng lên giành chính quyền trong 15 ngày, từ 14 đến 28/8/1945. Chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân. Vua Bảo Đại xin thoái vị để "được làm dân tự do của một nước độc lập".


Cách mạng tháng Tám thành công mở đầu trang sử mới của dân tộc. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời làm lễ ra mắt quốc dân tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội). Hàng chục vạn đồng bào Hà Nội và các tỉnh lân cận tập hợp ở vườn hoa Ba Đình để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Đoạn kết của Tuyên ngôn viết: “Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.


Tiếp đó Chính phủ lâm thời tuyên bố nhậm chức. Chính phủ lâm thời chính là Ủy ban dân tộc giải phóng được mở rộng nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân theo đề nghị của Hồ Chủ tịch ngày 27/8. Chính phủ lâm thời gồm 15 vị, do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Chính phủ lâm thời gồm có 13 bộ: Ngoại giao, Nội vụ, Thông tin Tuyên truyền, Quốc phòng, Thanh niên, Kinh tế Quốc gia, Cứu tế xã hội, Tư pháp, Y tế, Giao thông công chính, Lao động, Tài chính và Quốc gia Giáo dục.


Cuối buổi mít tinh, cả vạn người cùng hô: Kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủng hộ Hồ Chủ tịch cùng Chính phủ giữ quyền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược dù có phải chết cũng cam lòng... Từ đó, ngày 2/9 trở thành ngày hội Độc lập, ngày Quốc khánh của dân tộc ta. Như vậy, độc lập, tự do - tư tưởng cách mạng chủ yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phác thảo trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (2/1930), là mục tiêu đấu tranh trực tiếp của Mặt trận Việt Minh (1941) và của Đại hội đại biểu quốc dân Tân Trào (8/1945) đã thành hiện thực bằng sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước được tiến hành bầu ra Quốc hội, đã lập nên Chính phủ Hồ Chí Minh hợp hiến, hợp pháp, được toàn dân tín nhiệm, tin tưởng, động viên toàn dân phát huy nội lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau đó, cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, mở đường cho các dân tộc xóa bỏ chủ nghĩa thực dân cũ trên cả hành tinh và cuối cùng, qua hơn 20 năm kháng chiến vô cùng oanh liệt, nhân dân Việt Nam đã đánh tan được quân xâm lược Mỹ và ngụy quyền, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào mùa xuân năm 1975.


Nhìn lại những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã giành được trong thế kỷ XX, chúng ta tự hào về dân tộc ta, một dân tộc anh hùng, thông minh và sáng tạo. Tự hào về Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện - một lòng một dạ chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.


Trần Tiến Duẩn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN