77 năm qua, có thể thấy, một trong những bài học vô giá, cốt lõi của mọi thành công là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào sự đồng thuận của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bài học ấy tiếp tục soi rọi trong mỗi bước đường phát triển của công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay.
Phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đại đoàn kết là vấn đề chiến lược có ý nghĩa quyết định đến sự sống còn, thành bại của cách mạng nước nhà. Người khẳng định: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi...”.
Trên cơ sở đó, Đảng ta đã không ngừng xây dựng, củng cố khối liên minh công-nông và ngày càng mở rộng lực lượng ra toàn dân tộc. Cùng với chủ trương đoàn kết, tập trung nhiệm vụ giải phóng dân tộc, phù hợp với khát vọng của toàn thể dân tộc, đi đôi với việc chăm lo củng cố khối liên minh công nông, Đảng ta rất coi trọng việc đoàn kết, tập hợp các lực lượng khác: thanh niên, phụ nữ, học sinh, trí thức, tiểu thương, tư sản, địa chủ… và kịp thời đưa ra hình thức tổ chức thích hợp, đa dạng nhằm tập hợp đông đảo lực lượng nhân dân.
Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941) Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, nhằm “liên hiệp hết thảy các giới, đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn” (2). Và, coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh “sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập”.
Với tên gọi và mười chính sách có sức thức tỉnh tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân, Mặt trận Việt Minh có sức thu hút, quy tụ mạnh mẽ đối với toàn thể dân tộc và đồng bào sinh sống ở nước ngoài. Dưới ngọn cờ cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, sức mạnh quật cường, tinh thần sáng tạo của nhân dân được nhân lên gấp bội. Quần chúng nhân dân được tổ chức thành các đoàn thể cứu quốc: Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc… Càng tiến gần tới cuộc Tổng khởi nghĩa, Mặt trận dân tộc thống nhất càng mở rộng, thu nạp thêm nhiều tổ chức yêu nước, thu hẹp lực lượng chống đối và tầng lớp trung gian, tạo nên một lực lượng hùng mạnh.
Thực hiện Nghị quyết Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Quốc dân Đại hội và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã nhất tề nổi dậy, giành chính quyền trong cả nước.
Có thể thấy, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người của Việt Nam mà còn chứng tỏ nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là nghệ thuật xây dựng và phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; trên cơ sở lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân để tổ chức, tập hợp họ vùng lên đấu tranh “lấy sức ta giải phóng cho ta”. Vì thế, Cách mạng Tháng Tám đã tạo nên một cao trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ chưa từng thấy với đông đảo lực lượng tham gia, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, mọi thành phần kinh tế, mọi giới và mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh đường lối đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xác định lực lượng cách mạng - đó chính là khối đại đoàn kết dân tộc. Không có lực lượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc như thế, không thể có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Giá trị trường tồn
Sau Cách mạng Tháng Tám, cả dân tộc bước vào thời kỳ “kháng chiến kiến quốc”. Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn khi ta phải đương đầu với cả giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm… Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn. Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc. Quốc hội ra đời với các đại biểu đến từ tất cả các giai, tầng trong xã hội, từ công nhân, nông dân, tiểu tư sản, người dân tộc thiểu số thuộc mọi ngành, lĩnh vực văn hóa, tôn giáo…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng không ngừng quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, giúp nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng trong hơn 30 năm đổi mới.
Đặc biệt, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết theo tinh thần: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những bài học chủ yếu đưa công cuộc đổi mới đi đến thắng lợi như ngày hôm nay là mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố chính là nhân tố bảo đảm ổn định tình hình chính trị - xã hội, tăng trưởng kinh tế cao, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện an sinh xã hội…
Hiện nay, bên cạnh những thời cơ lớn, nước ta cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức không hề nhỏ trong bối cảnh trong nước và quốc tế có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường.
Trước những thời cơ và thách thức đan xen đó, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, quan điểm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nằm trong nội dung quan trọng của chủ đề thứ hai của Đại hội “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại”.
Để phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, Báo cáo chính trị Đại hội XIII đã nêu 5 quan điểm chỉ đạo, trong đó quan điểm thứ ba đề cập đến phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân… tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”.
Kinh nghiệm của cha ông cũng như quy luật của lịch sử đã minh chứng, chỉ khi nào kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh trong nước với sức mạnh ngoài nước; biến được sức mạnh ngoại sinh thành sức mạnh nội sinh, thành ý chí của toàn dân tộc chúng ta mới có thể bảo vệ vững chắc nền độc lập tự chủ và bảo vệ thành công sự nghiệp xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Với những thành quả cách mạng đã đạt được, dưới sự lãnh đạo đầy bản lĩnh, trí tuệ của Đảng, sự quản lý điều hành năng động, sáng tạo của Nhà nước cùng tài năng, đức tính cần cù, ý chí và khát vọng vươn lên mãnh liệt của nhân dân ta, tiếp tục vận dụng bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh lịch sử mới, chúng ta có đầy đủ cơ sở để vững tin vào sự hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.