Từ ngày 1/7/2011, 8 luật sẽ có hiệu lực thi hành. Đó là các luật: Luật Thanh tra; Luật Tố tụng hành chính; Luật Khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật An toàn thực phẩm và Luật Thi hành án hình sự.
Thay đổi hình thức thi hành án tử hình
Ngày 17/11/2010, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Thi hành án hình sự.
Luật này gồm 15 chương, 182 điều. Một trong những điểm mới của Luật Thi hành án hình sự là việc thay đổi hình thức thi hành án tử hình.Theo Luật, thay vì xử bắn như hiện nay, người chấp hành án tử hình sẽ bị tiêm thuốc độc. Trước khi thi hành án, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình được gửi đơn đến Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm đề nghị giải quyết cho nhận tử thi về an táng và phải cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí.
Bên cạnh đó, Luật còn quy định rất rõ chế độ khen thưởng đối với phạm nhân, cụ thể trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân chấp hành tốt nội quy, quy chế trại giam, có thành tích trong lao động hoặc lập công thì được khen thưởng theo một hoặc nhiều hình thức: Biểu dương; thưởng tiền hoặc hiện vật; tăng số lần được liên lạc bằng điện thoại, số lần gặp thân nhân, số lần và số lượng quà được nhận.
Quyền khởi kiện vì lợi ích cộng đồng
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/11/2010. So với quy định trước đây, Luật có những điểm tiến bộ rõ rệt, trong đó đáng chú ý là Luật quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật có riêng một chương quy định các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm: Thương lượng; hòa giải; trọng tài và tòa án. Đặc biệt, khi thực hiện khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và miễn tạm ứng án phí…
Luật cũng xác định vị trí, vai trò của tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như quyền khởi kiện vì lợi ích cộng đồng của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Tổ chức này cũng được Nhà nước cấp kinh phí và các điều kiện khác khi thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước.
Quy định về thức ăn đường phố
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật An toàn thực phẩm (ATTP). Luật gồm 11 chương và 72 điều, quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong vấn đề bảo đảm ATTP.
Luật có nhiều điểm mới như quy định các nguyên tắc quản lý ATTP, đặc biệt là trách nhiệm đầu tiên của người sản xuất kinh doanh; quản lý ATTP theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; quản lý ATTP phải đảm bảo phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành.
Một điểm khác biệt hơn so với Pháp lệnh Vệ sinh ATTP là Luật đã quy định riêng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ và giao bộ chuyên ngành quy định điều kiện phù hợp và khả thi cho từng loại hình.
Thức ăn đường phố là một loại hình kinh doanh đặc biệt và hiện là đối tượng gây ngộ độc thực phẩm cao nhất, vì vậy Luật đã đưa ra một mục riêng quy định về điều kiện bảo đảm an toàn trong kinh doanh thức ăn đường phố.
Nếu như Pháp lệnh quy định Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm là vô thời hạn thì Luật quy định giấy này chỉ có giá trị trong 3 năm.
Phúc Hằng