Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):
Buổi sáng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời và đã nhấn mạnh 4 nội dung sắp tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ để đầu tư hạ tầng giao thông cho đồng bằng sông Cửu Long. Bà con đồng bằng sông Cửu Long rất yên tâm và tôi cũng rất tin tưởng vào sự quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì buổi sáng tôi có hỏi và trước đó tôi đã chất vấn Bộ trưởng về vấn đề bờ biển đã bị xâm hại, xâm phạm cấp chủ quyền trái phép hoặc người dân sử dụng trái phép. Bộ trưởng chưa trả lời được nội dung này. Phải nói rằng câu hỏi này rất khó, có liên quan đến chính quyền địa phương. Bộ trưởng không phải trả lời tôi lần sau này. Nhưng với sự quyết tâm của Bộ trưởng thì mong rằng Bộ trưởng cùng với chính quyền địa phương sẽ kiểm tra lại, thanh ra lại trường hợp nào hợp lý thì cấp chủ quyền cho dân, cho doanh nghiệp. Còn trường hợp nào chiếm dụng bất hợp pháp là phải có đề xuất để thu hồi, không để hệ lụy. Sau này, nếu trường hợp này kéo dài mà chúng ta không thực hiện được thì tôi tin rằng kỳ họp của Quốc hội khóa XV sẽ có đại biểu chất vấn đối với Bộ trưởng.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) xin trao đổi lại với Bộ trường Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường:
Sáng nay có một số cử tri điện cho tôi, cho rằng là phần trả lời của Bộ trưởng còn chung và cho rằng tương lai của cây mắc ca ở Tây Nguyên, Tây Bắc còn khá mờ nhạt. Tôi rất quan tâm đến phần trả lời của Bộ trưởng cho rằng phát triển cây mắc ca phải gắn với chế biến và nơi nào có chế biến thì chúng ta mới phát triển cây mắc ca. Tôi đồng tình với quan điểm này. Tuy nhiên, tại Hội nghị cây mắc ca ở Đắk Lắk cuối tháng 9/2020 vừa qua, các đại biểu đã đưa ra những bất cập trong thực trạng phát triển cây mắc ca hiện nay. Tôi thấy rằng với đặc thù của cây mắc ca rất khắt khe là phải có nhiệt độ từ 17-27 độ C mới trồng được và chỉ có Tây Bắc, Tây Nguyên là có độc quyền trồng cây mắc ca này.
Chúng ta thấy rằng có những thời gian chúng ta giới thiệu cây mắc ca là cây tỷ đô và với kỳ vọng là sẽ đổi đời cho người nông dân. Tuy nhiên tại Đắk Lắk chúng tôi hiện nay cả nước thì 16.500 hecta cây mắc ca, tại Đắk Lắk chúng tôi hiện nay có khoảng 1000 hecta trồng xen canh với cây cà phê và khoảng 100 hecta trồng chuyên canh. Phải nói có một thực tế là hời gian qua nhiều hộ nông dân ở Đắk Lắk chúng tôi dở khóc, dở cười về cây mắc ca này. Bởi vì có những cây trồng 6-7 năm nhưng không có quả, nhưng khi có quả rồi hoặc những vùng có quả lại không tiêu thụ được hết. Xin hỏi Bộ trưởng, trong 26 năm qua, cây mắc ca có mặt ở Việt Nam như vậy thì chúng ta chưa có một nhà máy chế biến sâu nào ở Tây Bắc, Tây Nguyên. Trong đề án chiến lược phát triển cây mắc ca đến năm 2025 tới đây mà Bộ trưởng tham mưu cho Thủ tướng thì Bộ trưởng có khẳng định được có khu chế biến sâu đối với 2 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên này, về chiến lược cây mắc ca..
Đại biểu Võ Thị Như Hoa (TP Đà Nẵng):
Trong buổi chất vấn ngày mùng 6/11 vừa qua, tôi đã nêu về những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tiễn trong một số quy định của pháp luật nói chung và về vấn đề này thì đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời. Tuy nhiên, 2 vấn đề cụ thể, đó là tham mưu xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến gói 62.000 tỷ và mua sắm trang thiết bị y tế vẫn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn của 2 bộ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế thì chưa được trả lời. Ngoài ra, liên quan đến vấn đề tôi đã nêu, đặc biệt hôm nay là ngày pháp luật Việt Nam, tôi muốn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian gần đây, một loạt cán bộ ở nhiều cấp bị xử lý kỷ luật đảng, chính quyền, thậm chí xử lý hình sự do có liên quan đến việc ký ban hành văn bản cá biệt, văn bản hành chính không đúng quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, tôi chưa từng thấy vị cán bộ lãnh đạo nào bị xử lý kỷ luật do tham mưu sai, tham mưu chậm, tham mưu không phù hợp văn bản quy phạm pháp luật. Mặc dù pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức cũng như các văn bản của Đảng đều đã có quy định, mà nếu so sánh việc tham mưu ban hành hoặc là văn bản quy phạm pháp luật sai, chậm, không phù hợp thì mức độ gây hậu quả lớn hơn so với tham mưu ban hành sai văn bản hành chính, văn bản cá biệt. Vậy đây có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quy định pháp luật được đánh giá là còn nhiều bất cập? Mâu thuẫn chồng chéo, không phù hợp, làm cản trở phát triển kinh tế - xã hội, nhưng mãi năm này qua năm khác vẫn không được khắc phục hay không, thưa Thủ tướng?
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) xin tranh luận lại với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông:
Sáng nay, phần trả lời chất vấn đối với đại biểu Nguyễn Thanh Tùng, Hải Phòng thì Bộ trưởng có nêu rằng, đến nay đã ban hành chuẩn kỹ thuật để cho các cơ sở dữ liệu quốc gia có thể kết nối được với nhau. Đã xây dựng trục kết nối, chia sẻ dữ liệu này, đó là Bộ trưởng nói đến việc khi đã thực hiện trên cơ sở đã có sản phẩm đầu ra, tức là đã xây dựng xong các cơ sở dữ liệu. Nhưng trên thực tế, theo quy định của luật hoặc theo ban hành phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì các bộ, ngành đã, đang, sẽ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia cho từng lĩnh vực chuyên ngành riêng của mình, với đề án, cách thức, lộ trình khác nhau, trong đó có những cơ sở dữ liệu giống nhau khá lớn về các trường thông tin. Ví dụ, như dữ liệu thống kê về dân số, lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về hộ tịch, đất đai và xây dựng, v.v. Do đó, vấn đề mà đại biểu quan tâm, cũng như đại biểu Bùi Văn Xuyền vừa phát biểu là có khai thác, kết nối, chia sẻ, sử dụng giữa các cơ sở dữ liệu với nhau hay không trong quá trình thực hiện để tiết kiệm về nhân lực, kinh phí, thời gian và để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống của các dữ liệu này. Nếu được thì thời gian tới Bộ trưởng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về việc này như thế nào. Vấn đề này tôi muốn có sự quan tâm thông tin từ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) xin tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nội vụ:
Sáng nay Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói là cơ quan của Bộ Nội vụ cần làm gương trong việc tinh giản biên chế và đã dự định cắt giảm 21% số viên chức. Theo tôi được biết đây chủ yếu là cắt giảm cơ học, bằng cách giảm kế hoạch viên chức biên chế hàng năm. Điều này trái với tiêu chí của Đảng và Nhà nước là giảm những viên chức kém nhưng mà tăng cường các cán bộ, viên chức giỏi. Vậy xin hỏi bao nhiêu cán bộ, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm qua được Bộ Nội vụ loại ra khỏi đội ngũ?
Chiều nay Bộ trưởng nói là nói nhiều đến việc sắp xếp, sáp nhập lại các tổ chức của các bộ, ngành khác rất tốt. Vậy theo Bộ trưởng, hiện nay có thể sát nhập Bộ Nội vụ vào một cơ quan khác nào không? Ví dụ như là Văn phòng Chính phủ hay là Thanh tra Chính phủ.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Vừa rồi có cuộc tranh luận về rừng, tôi cho đề tài này là hết sức quan trọng để làm chính sách và luật pháp mới cho vấn đề bảo vệ rừng. Vì rõ ràng, tác động của nó rất khủng khiếp đến sinh mạng và nó cũng là vấn đề chiến lược lâu dài. Tôi nhận được một số ý kiến của cử tri, trong đó có những chuyên gia kỳ cựu mà nhiều Bộ trưởng ở đây cũng đã từng biết, có gửi cho tôi ý này: theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) họ định nghĩa rừng trồng không coi là rừng, rừng phải là rừng tự nhiên và bao gồm các độ bao phủ. Do đó, việc chúng ta có hơn 10 triệu hecta chia làm 2 và tất cả gọi là rừng thì cũng cần phải xem lại. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể cho thêm thông tin về chuyện đó như thế nào và tức là từ đây tới đó chúng ta phải tính toán, sắp xếp lại các chỉ tiêu và các con số.
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận (TP Hồ Chí Minh):
Tại kỳ họp thứ sáu, tôi có gửi phiếu chất vấn cho Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an về tình trạng giả mạo hiện tồn tại trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là giả mạo giấy tờ, hồ sơ bệnh án, v.v.. Hiện nay, tình trạng này vẫn đang diễn biến phức tạp, gây nhức nhối trong xã hội. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết những giải pháp đang thực hiện như thế nào, có hiệu quả hay không và cần có những giải pháp nào khác không để ngăn chặn cũng như là hạn chế tình trạng này?
Một câu hỏi nữa, tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nguyên nhân của việc cổ phần hóa cũng như thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn chậm và giải pháp cho thời gian sắp tới như thế nào?
Đại biểu Trần Văn Cường ( Đồng Tháp)xin gửi đến Bộ trưởng Bộ Công an 2 câu hỏi:
Câu hỏi thứ nhất, tình trạng sử dụng, mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ chất ma túy trên cả nước tuy có giảm nhưng quy mô, tính chất rất nghiêm trọng. Ma túy hoành hành ở cả thành thị lẫn nông thôn, gây xáo trộn cuộc sống bình thường của người dân. Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra, giết chết cả người thân của mình. Vậy Bộ trưởng có giải pháp nào để giảm số vụ mua, bán, vận chuyển ma túy?
Câu hỏi thứ hai, tín dụng đen đang hoành hành khắp cả thành thị lẫn nông thôn. Nạn nhân là những gia đình, cá nhân gặp khó khăn về kinh tế. Chúng đòi nợ theo kiểu xã hội đen, rất nguy hiểm cho con nợ, thậm chí người thân cũng bị chúng khủng bố, gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Thời gian qua, công an đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng chưa giảm mà hành vi xảo quyệt hơn. Vậy Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân và giải pháp ngăn chặn?