Nhà báo Argentina Gaston Fiorda gọi chiến thắng Điện Biên Phủ là hình mẫu cho công cuộc giải phóng dân tộc tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, góp phần đặt dấu chấm hết cho quá trình thuộc địa hóa - một trong những trang lịch sử đau thương nhất nhân loại đã trải qua. Đây cũng là ý kiến của Tiến sĩ Anatoly Sokolov thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga. Là thắng lợi đầu tiên của phong trào giải phóng dân tộc sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, đánh bại một cường quốc thực dân, chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành tấm gương sáng và thiết thực cho nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới, phá tan ách thống trị của thực dân Pháp, buộc các nước thực dân phải tôn trọng quyền của các dân tộc bị áp bức ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Chuyên gia Nga khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm thay đổi lịch sử, làm đứt gãy chế độ thực dân và là khởi nguồn của các cuộc cách mạng trên thế giới. Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia luật quốc tế, Giáo sư Joni Asi thuộc Đại học Nablus (Israel) nhận xét: "Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo ra tác động to lớn tới cuộc đấu tranh tại các nước Nam bán cầu chống lại chủ nghĩa đế quốc và thực dân để giành độc lập và công lý".
Học giả người Anh Kyril Whittaker nhận định chiến thắng Ðiện Biên Phủ mang tính đột phá không chỉ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do từ tay chủ nghĩa thực dân và đế quốc mà còn đối với các phong trào giải phóng ở Ðông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung. Trước hết, chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của 3 nước Đông Dương. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva về lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào, Campuchia được ký kết. Đại tướng Chansamone Chanyalath, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng, niềm tự hào của nhân dân Việt Nam, của các nước trên Bán đảo Đông Dương nói riêng, mà còn là chiến thắng và niềm tự hào của tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới nói chung. Trong khi đó, theo học giả Uch Leang, nhà nghiên cứu tại Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC), chiến thắng Điện Biên Phủ như một hình mẫu tiêu biểu của tinh thần đoàn kết giữa Việt Nam, Lào và Campuchia, dẫn tới thắng lợi chung trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, sau đó là đế quốc Mỹ. Cả ba nước có cùng nhận thức vì vận mệnh chung, trở thành động lực mạnh mẽ, hình thành khối đoàn kết giữa quân đội và nhân dân 3 nước. Học giả Thái Lan Songrit Pongern cũng khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ đã khơi dậy và khích lệ cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới, với mô hình cụ thể từ sự đoàn kết giữa Việt Nam, Lào và Campuchia để có thể giành được thắng lợi chung trước các siêu cường như Pháp và Mỹ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng được xem là sự khởi đầu cho nền độc lập của phần lớn các nước ở châu Phi, là điểm xuất phát của các phong trào giải phóng dân tộc châu Phi thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, Anh, Đức như Tunisia vào năm 1956, Algeria năm 1962. Chủ tịch Hội hữu nghị Algeria - Việt Nam Cherfaoui Tayeb, một cựu quân nhân, khẳng định "Việt Nam là tấm gương cách mạng đối với chúng tôi". Ông hồi tưởng: “Ở miền Bắc Algeria năm 1956, nhiều sinh viên ở độ tuổi 18-20 đã rời trường học, tạm gác giấc mơ trở thành bác sĩ hay kỹ sư để gia nhập đội quân Maquis đi chiến đấu bởi vì họ đã nhận ra rằng chế độ thực dân chỉ là tạm thời và có thể bị đánh bại". Chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến của Việt Nam đã tạo động lực để người Algeria có thể hy vọng, có thể làm cách mạng giành lại đất nước, lấy lại tự tôn dân tộc, kinh tế và cuộc sống của mình. Ông Mourad Lamoudi, quan chức đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Algeria thì nhớ lại ba chữ "Điện Biên Phủ" thời kỳ đó “như là một khẩu hiệu hành động, có chất xúc tác”. Người ta sử dụng khẩu hiệu "Điện Biên Phủ" để nhắc nhở rằng mình có thể chiến thắng.
Nêu bật ý nghĩa quốc tế của chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà sử học Pháp Alain Ruscio cho biết, vào thời điểm đó, ở các thuộc địa của Pháp như Madagascar, Algeria, Tunisia, Maroc..., cuộc đấu tranh ở Việt Nam được theo dõi rất chặt chẽ. Theo ông, việc quân Pháp bị thất trận ở Điện Biên Phủ không chỉ được coi là chiến thắng của riêng Việt Nam mà còn là chiến thắng của toàn thể các dân tộc thuộc địa, mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức.
Lý giải cho ý nghĩa thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ, tờ Resumen Latinoamericano của Argentina cho rằng chiến thắng này đã chứng minh một chân lý cho các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược: Với ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết chiến đấu vì chính nghĩa và một sách lược đúng đắn, một dân tộc nhỏ bé hoàn toàn có thể chiến thắng một cường quốc.
Tổng Bí thư PT Alberto Anaya Guitiérrez lại có góc nhìn bao quát hơn. Theo ông, chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến thắng 30/4 đã vượt qua tầm vóc và khuôn khổ của một quốc gia bởi đó là hiện thân và biểu tượng của khát vọng cháy bỏng, sức mạnh quật cường của một dân tộc đấu tranh vì tự do và độc lập.
Không chỉ khơi dậy nguồn cảm hứng, chiến thắng Điện Biên Phủ cũng chỉ ra cho các dân tộc bị áp bức con đường đấu tranh giành độc lập. Đó là bài học về "biết mình biết người", biết kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; là bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết, việc chuẩn bị kỹ càng nhưng linh hoạt cho công cuộc trường kỳ kháng chiến. Nhà báo Mouris Salloum George, Chủ tịch Hội Nhà báo Mexico, nhấn mạnh chiến dịch Điện Biên Phủ chính là một cuộc chiến tranh nhân dân được phát động và lãnh đạo một cách tuyệt vời và khéo léo, là hình mẫu cho các dân tộc bị áp bức đứng lên giành độc lập.
"Sau 70 năm, dư âm chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vang vọng như một bản anh hùng ca bất hủ của thế kỷ XX". Nhận định ấy của ông Mouris Salloum George đã khẳng định giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.