Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho biết, hiện nay, An Giang đang ở trạng thái phòng, chống dịch mới, khi số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng liên tục gia tăng. Trong 3 ngày gần đây (từ ngày 23-25/8), toàn tỉnh ghi nhận 227 ca mắc COVID-19, riêng ngày 25/8, ghi nhận 134 ca mắc.
Để đảm bảo dịch bệnh không lây lan trong cộng đồng và sớm đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, An Giang cần thay đổi cách tiếp cận trong phòng, chống dịch, tập trung cho công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền cho người dân tự bảo vệ mình trước dịch bệnh.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu Sở Y tế sớm xây dựng “cẩm nang” hướng dẫn người dân các biện pháp tự phòng, chống dịch một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện; xây dựng kế hoạch triển khai nguồn nhân lực y tế hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch; thành lập các tổ tư vấn y tế cộng đồng ở các địa phương để tư vấn phòng, chống dịch cho nhân dân.
Các địa phương cần rà soát chặt chẽ quy trình quản lý ở các khu cách ly tập trung; tiến hành sàng lọc, phân loại các nhóm nguy cơ để bố trí vào các khu cách ly phù hợp, tránh xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương và các sở, ngành liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể; triển khai sớm mô hình trưng dụng các nhà nghỉ, khách sạn làm khu cách ly cho các F0 không triệu chứng, các F1 nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung, hạn chế lây nhiễm chéo, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang cũng lưu ý, trên cơ sở thành lập “Tổ công tác đặc biệt của Chủ tịch UBND tỉnh trong công tác công tác phòng, chống dịch COVID-19”, các địa phương cần thành lập các tổ tư vấn đặc biệt này để tranh thủ được ý kiến chuyên môn sâu, sát thực tiễn từ đội ngũ y, bác sĩ đã nghỉ hưu hoặc đang công tác tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn, từ đó có những giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, sát với điều kiện của từng địa phương.
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cần khẩn trương xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, từ đó xây dựng biểu đồ phòng, chống dịch (các vùng đỏ, cam, vàng, xanh) nhằm quản lý, theo dõi; tiến hành khóa chặt, thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng”, bảo vệ và mở rộng các “vùng xanh”; tuyệt đối không chủ quan, lơ là theo kiểu “chặt ngoài, lỏng trong”, mà phải kiểm soát chặt cả “vòng ngoài” lẫn “vòng trong”. Việc kiểm soát địa bàn phải chặt chẽ, tuân thủ thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, tiến tới kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh sớm nhất.
Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, chống dịch cho người dân, để mỗi người dân là một “chiến sĩ”, mỗi gia đình, khóm, ấp, khu phố là một “pháo đài” trong phòng, chống dịch.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, từ nay đến cuối năm 2021, tỉnh An Giang sẽ tiếp nhận nhiều lô vaccine mới, do đó, các địa phương được phân bổ vaccine phải triển khai tiêm với tiến độ nhanh nhất, “chỉ có vaccine cộng với ý thức của người dân mới mong đẩy lùi dịch bệnh”, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định.
Riêng đối với các ổ dịch phức tạp tại hai huyện An Phú và Châu Thành, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công an phối hợp với lực lượng quân đội, y tế khẩn trương tiến hành các biện pháp quyết liệt, khép chặt các ổ dịch; thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp để bóc tách hết các F0 ra khỏi cộng đồng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, tính đến 6 giờ ngày 26/8, An Giang ghi nhận 1.674 trường hợp mắc COVID-19; trong đó, có 602 trường hợp phát hiện trong cộng đồng, 424 trường hợp phát hiện trong khu vực phong tỏa, 577 trường hợp trong khu cách ly tập trung, 71 trường hợp nhập cảnh; đã điều trị khỏi 519 trường hợp.
Đến nay, An Giang đã nhận được tổng số 192.660 liều vaccine, đến ngày 25/8 đã tiêm 170.160 liều, đạt tỷ lệ 88,3%.
Tính từ ngày 18 - 24/8, toàn tỉnh An Giang đã thực hiện 195.340 mẫu xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng theo mức độ nguy cơ, qua đó phát hiện 204 trường hợp F0.