Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, Đảng ta đã đề ra quan điểm phải phát triển án lệ. Để có cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng Đề án phát triển án lệ, Tòa án nhân dân tối cao đã nghiên cứu thành công Đề tài khoa học cấp Bộ về triển khai án lệ vào công tác xét xử của Tòa án Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu về án lệ đã được Tòa án nhân dân tối cao tổng hợp, thể hiện trong dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 8, khóa XIII.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Tống Anh Hào, Nguyễn Sơn chủ trì Hội thảo. |
Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Việc áp dụng án lệ trong các phán quyết của Tòa án chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo tính ổn định, minh bạch và tiêu liệu được trong các phán quyết của Tòa án; qua đó, có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án, mà còn đối với cả cộng đồng xã hội. Tại khoản 2 Điều 4, Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Đối với loại việc này, án lệ được quy định là một trong những căn cứ mà Tòa án có thể áp dụng để giải quyết vụ việc .
Tán thành việc ban hành và áp dụng án lệ, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Phó Trưởng Khoa Luật, Học viện An ninh Nhân dân cho rằng: Theo tinh thần đổi mới của Hiến pháp 2013 và các qui định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014, vấn đề thừa nhận, phát triển án lệ ở Việt Nam cần phải được nhìn nhận là một nhiệm vụ, trọng trách cơ bản trong cải cách tính hiệu quả, linh hoạt của hệ thống Tòa án. Đồng thời, thừa nhận án lệ góp phần phát huy những giá trị tích cực nhiều mặt, không chỉ trong thực tiễn xét xử mà còn làm cho hệ thống pháp luật Việt Nam có tính minh bạch, thống nhất, dễ dự đoán và chắc chắn.
Nghiên cứu về án lệ được công bố rộng rãi trên thế giới, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam cho biết: gần đây, những nghiên cứu pháp lý ở châu Âu cho thấy, sự thừa nhận áp dụng án lệ sẽ tránh cho hệ thống Tòa án rơi vào tình trạng tùy tiện và không thống nhất khi áp dụng pháp luật. Bởi vậy, thừa nhận và phát triển án lệ ở Việt Nam là một xu hướng tiến bộ trong cải cách hoạt động của hệ thống cơ quan tư pháp. Án lệ sẽ góp phần là công cụ để Tòa án nhân dân tối cao bảo đảm thống nhất áp dụng pháp luật trong xét xử theo tinh thần của Hiến pháp 2013.
Góp ý nội dung trên, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể cho rằng, các bản án, quyết định được chọn làm nguồn để phát triển thành án lệ phải mang tính điển hình, chuẩn mực và phổ biến…