Cuộc họp có sự tham dự của Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, đại diện cấp cao về các vấn đề giải trừ quân bị Izumi Nakamisu, Thủ tướng Ireland, Thủ tướng Niger cùng các Bộ trưởng, Thứ trưởng và đại diện cấp cao các nước thành viên Hội đồng Bảo an.
Tại Phiên họp, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhận định những xu hướng tiêu cực trong lĩnh vực số có thể gây phương hại đến hòa bình, an ninh quốc tế, phát triển kinh tế bền vững, cản trở việc thụ hưởng đầy đủ quyền con người và các quyền tự do cơ bản khác, đồng thời nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác quốc tế nhằm ứng phó với những thách thức hiện nay với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc.
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an chia sẻ quan ngại về những hậu quả tiêu cực, phức tạp của các vụ tấn công mạng đối với an ninh, chủ quyền quốc gia và phát triển kinh tế-xã hội; nhấn mạnh cần đề cao luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định môi trường không gian mạng, bên cạnh các biện pháp xây dựng lòng tin, nâng cao năng lực và phối hợp hành động giữa các quốc gia.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc đến mọi mặt đời sống quốc tế, góp phần thúc đẩy trao đổi tri thức nhân loại, tăng cường hiểu biết lẫn nhau cũng như đóng góp quan trọng vào phát triển bền vững ở mỗi quốc gia. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ngày càng có nhiều phần tử khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia lợi dụng công nghệ để xâm nhập các hệ thống ngân hàng, tài chính, phá hoại các cơ sở hạ tầng thiết yếu, kích động bất ổn xã hội, truyền bá tư tưởng cực đoan và thông tin sai lệch tới cộng đồng; gây thiệt hại lớn đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền, an ninh, phát triển và làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia.
Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định an ninh mạng có ý nghĩa then chốt đối với hòa bình, an ninh, phát triển và thịnh vượng ở mọi cấp độ quốc gia và toàn cầu; chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia trên không gian mạng cần được tôn trọng một cách đầy đủ.
Theo Bộ trưởng, cần có giải pháp toàn cầu đối với an ninh mạng. Theo đó, cộng đồng quốc tế cần thiết lập một khuôn khổ quốc tế với những quy tắc, chuẩn mực ứng xử có trách nhiệm trên không gian mạng, trên cơ sở đồng thuận và có sự tham gia rộng rãi, đầy đủ của các nước. Mọi hoạt động trên không gian mạng cần phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc cơ bản như tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực và giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Bộ trưởng bày tỏ quan ngại và phản đối sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông độc hại để tấn công các cơ sở y tế, điện, nước và lương thực; đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào việc tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng lòng tin và duy trì trách nhiệm bảo đảm an ninh trên không gian mạng.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin và truyền thông là xu hướng không thể đảo ngược và sẽ là bệ phóng của nhân loại trên hành trình vươn tới phồn vinh. Ý thức được xu thế này, Việt Nam đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số quốc gia và đang phấn đấu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP. Tại Đông Nam Á, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia các cơ chế an ninh mạng khu vực, trong đó có Chiến lược hợp tác An ninh mạng của ASEAN, đồng thời có quan hệ hợp tác song phương hiệu quả với nhiều nước và đối tác quốc tế trong lĩnh vực này. Việt Nam ủng hộ sẵn sàng hợp tác với các đối tác nhằm xây dựng một môi trường không gian mạng hòa bình, ổn định, an toàn, vì người dân và phát triển bền vững.