Trong suốt 30 năm kháng chiến, địa bàn An Phú Đông - Thạnh Lộc - Thạnh Xuân (nay thuộc quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) đã trở thành vùng “tự do bắn phá” của địch. Dù bị địch càn quét liên tục, nhưng An Phú Đông vẫn xứng đáng là hậu phương vững chắc, bàn đạp để quân và dân ta khống chế địch ngay tại thủ phủ Sài Gòn.
Chiến khu ra đời đánh dấu ý nghĩa lịch sử bất khuất của quân dân Nam Bộ, bởi tuy Sài Gòn - Gia Định đã bị thực dân chiếm đóng, nhưng trong lòng thành phố vẫn có sự hoạt động của Đảng bộ, của các chiến sĩ cách mạng dũng cảm, kiên cường và gây được tiếng vang và niềm tin vào cuộc kháng chiến thắng lợi của nhân dân tỉnh Gia Định, của Nam Bộ.
Hình thành chiến khu
Sáng 23/9/1945, Xứ ủy Đảng và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ hội nghị khẩn cấp tại đường Cây Mai (Chợ Lớn), chủ trương kiên quyết đánh Pháp, kiên quyết phát động toàn dân Nam Bộ kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Đồng chí Phạm Văn Chiêu (1907 - 1991), khi đó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Gia Định (giai đoạn từ tháng 9/1945 - 1952, đồng thời là Bí thư Tỉnh ủy 1946 - 1952) cùng tập thể Tỉnh ủy đã có những quyết định đúng đắn, nhằm chuẩn bị cho cuộc kháng chiến kéo dài.
Theo hồi ký của đồng chí Phạm Văn Chiêu về cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Gia Định (1945 - 1954), sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong khí thế tưng bừng phấn khởi, quần chúng nhiệt liệt ủng hộ chính quyền cách mạng, chính quyền mà họ đã phải đấu tranh gần một thế kỷ mới giành được. Nhân dân trong tỉnh hết lòng hết sức giúp đỡ cán bộ trong việc tổ chức bộ máy chính quyền và tổ chức lực lượng võ trang để bảo vệ chính quyền.
Trước đó, tại tỉnh Gia Định, hiệu triệu của Ủy ban nhân dân tỉnh kêu gọi đồng bào trong tỉnh chuẩn bị chiến đấu được hưởng ứng nhiệt liệt. Ngày 15/9/1945, cơ quan chính quyền từ Bà Chiểu dời về Gò Vấp. Những đội du kích đầu tiên được điều động đến những nơi xung yếu ra vào Sài Gòn, cầu Bông, cầu Thị Nghè, cầu Kiệu. Chính tinh thần quyết tâm đó khiến từ ngày 23/9 đến đầu tháng 10/1945, thực dân Pháp chưa dám ra khỏi Sài Gòn. Các ngả đường ra vào Sài Gòn đều bị du kích ta giữ chặt.
“Thật ra lúc bấy giờ, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như Ủy ban Quân sự tỉnh còn rất lúng túng, bỡ ngỡ trong việc chuẩn bị kháng chiến. Giành chính quyền đã là việc mới mẻ, giờ đây, phải bảo vệ chính quyền, bảo vệ đất nước, chống lại quân xâm lược cướp nước có lực lượng hùng mạnh hơn ta bội phần. Cho nên, phải thừa nhận rằng, việc chuẩn bị có rất nhiều thiếu sót trong giai đoạn đầu… Thế nhưng, trong tình hình muôn người như một, ai cũng quyết tâm dốc hết sức lực của mình để đánh đuổi thực dân Pháp… Điều quan trọng hàng đầu lúc bấy giờ là dám đánh Tây, quyết tâm đánh giặc”, đồng chí Phạm Văn Chiêu viết trong Hồi ký.
Trong tình thế lúc bấy giờ, tỉnh Gia Định xác định căn cứ kháng chiến là một vấn đề cơ bản, phải có nơi tương đối an toàn, tương đối ổn định để lãnh đạo kháng chiến, tổ chức lực lượng, tổ chức tiếp tế, huấn luyện, sản xuất vũ khí, đạn dược… Tỉnh ủy đề ra chủ trương “lập những khu căn cứ kháng chiến ngay ở ngoại ô, phụ cận Sài Gòn”, “không rút đi xa, cố bám đất, bám dân làm chiến tranh du kích, làm chiến tranh nhân dân”.
Căn cứ đầu tiên của tỉnh Gia Định là An Phú Đông, gồm hai xã An Phú Đông và Thạnh Lộc, xây dựng cuối tháng 12/1945. Hai xã này lúc bấy giờ thuộc huyện Gò Vấp, cách thị trấn Gò Vấp 3 km và cách Sài Gòn 7 km đường bộ và 4 km đường chim bay. Các lực lượng các mạng chiến đấu bảo vệ thành phố, các cơ quan kháng chiến của tỉnh Gia Định, thành phố Sài Gòn và một bộ phận của Xứ ủy, Tổng Công đoàn Nam Bộ và Sở chỉ huy các đơn vị vũ trang cách mạng lần lượt rút về An Phú Đông - Thạnh Lộc.
Tuy vị trí An Phú Đông nằm sát Sài Gòn, song lúc đầu, như nhận định của đồng chí Phạm Văn Chiêu, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Gia Định, thì địch còn yếu, tinh thần quân lính bạc nhược, còn bị ảnh hưởng khủng khiếp trước những thất bại của quân đội Pháp trong thế chiến thứ hai. Về phía ta, trong giai đoạn đầu mới bước vào kháng chiến, cơ sở vật chất cũng như vũ khí, đạn dược còn hết sức nghèo nàn, nếu không dựa vào Sài Gòn, nơi cung cấp nhân lực, vật lực cho kháng chiến, thì chỉ với tinh thần, ta không thể cầm cự được với quân thù được trang bị đầy đủ.
Theo tài liệu “Chiến khu An Phú Đông - lịch sử và truyền thống” của Đảng bộ Quận 12, về mặt địa lý, chiến khu An Phú Đông - Thạnh Lộc trong thời kỳ chống Pháp và đế quốc Mỹ có vị trí quân sự đặc biệt quan trọng. Đối với địch, đây là hàng rào đầu tiên, tuyến hành lang ở cửa ngõ phía Tây Bắc ngăn chặn sự tiến công của lực lượng cách mạng vào hậu cứ của chúng. Đối với ta, vùng đất An Phú Đông - Thạnh Lộc và các xã lân cận là vùng có điều kiện thuận tiện cho việc ém quân để xây dựng phong trào, cơ sở, làm bàn đạp tấn công, theo dõi những vùng xung quanh.
Chính vì vậy, nơi đây trở thành một trong những địa bàn đứng chân của các cơ quan tỉnh, thành phố và các đơn vị chủ lực hoạt động cho đến khi phần lớn lực lượng rút về chiến khu D trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (từ năm 1945 - 1949). Đây cũng là căn cứ lõm cho các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích hoạt động ở giai đoạn sau của cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Nơi đứng chân của các lực lượng
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân An Phú Đông đã bắt tay ngay vào xây dựng lực lượng kháng chiến, chuẩn bị ngăn chặn bước tái xâm lăng của địch. Nhờ vào địa thế hiểm trở, giao thông đường bộ hầu như không có, những vườn cau, vườn dừa, rẫy dứa bạt ngàn, các lãnh đạo tỉnh Gia Định đã cho di chuyển dần các cơ quan về An Phú Đông. Thời gian này, tại Hanh Phú (An Phú Đông) có rất nhiều cơ quan của vùng Sài Gòn - Gia Định trú đóng.
Chiến khu An Phú Đông ra đời làm chỗ dựa, hậu phương vững chắc cho các lực lượng chiến đấu để cầm chân giặc, chặn đứng sự bành trướng của thực dân Pháp trong chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” nhằm “bình định Nam Bộ trong vòng 6 tuần lễ” như thực dân Pháp tuyên bố.
Ngay tại chiến khu, một sự kiện nổi bật là cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tổ chức ngày 6/1/1946. Đồng bào chiến khu An Phú Đông nô nức tham gia với tinh thần phấn khởi, thể hiện đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ công dân của một nước có chủ quyền.
Theo hồi ký đồng chí Phạm Văn Chiêu, năm 1946 là năm xây dựng và củng cố lực lượng, đồng thời là năm học tập, tìm tòi, nghiên cứu những vấn đề hoàn toàn mới mẻ của cuộc kháng chiến. Nỗ lực công tác, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trong chiến khu đã có những tiến bộ bước đầu. Trải qua một năm thử thách, đương đầu với giặc, cùng với những thành tựu đã đạt được của quân và dân tỉnh Gia Định trong chiến khu, tổ chức Đảng của ta không ngừng được củng cố, phát triển.
Tỉnh ủy Gia Định đã lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chiến khu An Phú Đông, cung cấp nhân lực, vật lực cho kháng chiến, chống địch càn quét, khủng bố. Nhân dân An Phú Đông đã dốc hết sức người, sức của cho kháng chiến, giữ vững niềm tin, ý chí chiến đấu, mưu trí dũng cảm, góp phần bảo vệ các cơ quan của Xứ ủy, Thành phố Sài Gòn, Tỉnh ủy Gia Định trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đầu năm 1946, tòa báo Cảm Tử (của Tổng Công đoàn Nam Bộ) từ Sài Gòn cũng dời về An Phú Đông, đứng đầu Ban Biên tập là đồng chí Lý Chính Thắng. Tại nhà ông Tư Quyền, là thân hào làng Hanh Phú, tòa soạn báo Cảm Tử xuất bản 5.000 tờ mỗi số, bí mật đem vào phát hành trong thành phố và gửi đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Báo Cảm Tử thông báo tin tức kháng chiến và động viên mọi người hăng say đánh giặc; được đồng bào, chiến sĩ hoan nghênh nhiệt liệt. Mỗi lần càn quét vào An Phú Đông, địch đều cố tìm ra trụ sở, nhà in của tờ báo. Nhiều lần địch đốt phá trụ sở, nhà in báo nhưng tờ báo vẫn tồn tại, vượt qua đồn bốt địch thâm nhập vào nội thành và được đồng bào đón nhận.
“Chưa cần nói đến nội dung tờ báo, chỉ một việc duy trì được tờ báo Cảm Tử ra đều đặn hàng ngày, bất chấp những cuộc càn quét của địch đã là một chiến công, đòn đau đối với kẻ thù… Vì tòa soạn báo nằm trong tỉnh, nên nhiều tin tức về cuộc kháng chiến trong tỉnh được phản ánh trên tờ báo, chúng ta tôi coi tờ báo như là cơ quan tuyên truyền của tỉnh”, theo hồi ký đồng chí Phạm Văn Chiêu.
Chính tại chiến khu An Phú Đông, các cơ quan lãnh đạo của tỉnh Gia Định đã chủ đạo triển khai một cách toàn diện, đưa cuộc kháng chiến giành được nhiều thắng lợi vẻ vang trong giai đoạn đầu. Chiến khu An Phú Đông đã mãi mãi đi vào lịch sử, trở thành địa danh bất tử đại diện cho truyền thống đấu tranh bất khuất của con người Sài Gòn - Gia Định ngay từ những ngày đầu kháng chiến.
Bài cuối: Xây dựng vùng chiến khu nghĩa tình và phát triển