Kỳ họp lịch sử với hơn 30 ngày làm việc liên tục, dài nhất từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII đã khép lại, kết thúc thành công toàn bộ chương trình nghị sự trong tiếng vỗ tay vang dội của các đại biểu Quốc hội, trong niềm hân hoan, phấn khởi và tin tưởng của đồng bào, chiến sỹ, cử tri cả nước. Đây cũng là Kỳ họp đầy ấn tượng với nhiều cảm xúc, sẻ chia, kỳ vọng từ diễn đàn Quốc hội, có sức lan tỏa, cuốn hút đông đảo nhân dân theo dõi, lắng nghe. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu Quốc hội tại phiên bế mạc. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN. |
Với tính chất đặc biệt quan trọng và ý nghĩa lịch sử to lớn, có thể nói rằng, Kỳ họp thứ 6 đã mở ra trang sử tiếp theo cho toàn dân tộc với bản Hiến pháp đổi mới cho thời đổi mới của đất nước, tạo nền tảng đưa đất nước tiến xa hơn, nhanh hơn trên con đường tiến bộ xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thời khắc lịch sử Với 32 ngày làm việc, nhưng có thể nói, thời khắc đáng nhớ nhất, tập trung và hồi hộp nhất lại là 60 giây – thời lượng để các đại biểu của nhân dân bấm nút thể hiện chính kiến trước văn kiện chính trị - pháp lý tối quan trọng của quốc gia. Một phút ngắn ngủi ấy cũng là giây phút làm nên thành công lớn nhất của kỳ họp và đưa cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII vào lịch sử lập hiến của đất nước với bản Hiến pháp đầu tiên của thế kỷ 21.
Chính vào thời điểm trọng đại ấy, báo cáo lần cuối trước các đại biểu Quốc hội và toàn thể cử tri, đồng bào cả nước về dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã khẳng định: Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của Hiến pháp, vai trò chủ thể của Nhân dân, từng vị đại biểu Quốc hội đã làm việc tận tụy, hết mình với tinh thần khoa học, lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ của đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các cấp, các ngành. Cả hệ thống chính trị đã đồng thuận cùng toàn dân tham gia hoàn thiện bản Hiến pháp này, thể hiện rõ ý Đảng, lòng dân.
Khởi động từ tháng 8/2011, nhất là từ thời điểm công bố toàn văn dự thảo để xin ý kiến nhân dân (1/2013), sau gần 11 tháng với hơn 26 triệu ý kiến góp ý của mọi tầng lớp nhân dân, nhân sỹ, trí thức trong và ngoài nước, dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi đã hoàn thiện, chứa đựng bao công sức, kết tinh ý chí, tinh hoa trí tuệ và sự gửi gắm, kỳ vọng của nhân dân. Trân trọng và biết ơn từng ý kiến của đại biểu, của cử tri, cả những ý kiến đồng thuận và những ý kiến còn khác so với dự thảo, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định trước khi biểu quyết rằng, tất cả những ý kiến này đều được Quốc hội hết sức trân trọng, tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu trong quá trình đổi mới đất nước.
Đánh giá về sự kiện Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đây là một bước tiến quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước là thành quả của hơn 30 năm đổi mới và phát triển của Việt Nam.
Tiếp thu ý kiến của nhân dân, của đại biểu Quốc hội, đây cũng là lần đầu tiên, trong các bản Hiến pháp của đất nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trở thành một Chương riêng, được đặt ngay sau Chương Chế độ Chính trị. Hai chữ “Nhân dân” được viết hoa trong toàn bộ bản Hiến pháp. Đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện kỹ thuật lập hiến mà nó mang thông điệp rất rõ của Đảng, Nhà nước, dân tộc tôn trọng thừa nhận, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân đúng với tinh thần Điều ước quốc tế mà Việt Nam cam kết tham gia.
Dân chủ và thẳng thắn Không chỉ có Hiến pháp sửa đổi, Luật Đất đai sửa đổi – đạo luật quan trọng có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế đất nước và nhiều dự án luật khác được thông qua, cho ý kiến, Kỳ họp thứ 6 – Kỳ họp giữa nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII còn “ghi điểm” ở những nội dung đầy tính thời sự với những vấn đề nổi cộm, đang là mối quan ngại sâu sắc của tri đã được những đại biểu đề cập trong chương trình nghị sự.
Những câu chuyện như: Thủy điện xả lũ, an toàn hồ đập, “được mùa rớt giá”, y đức của người khoác áo blouse trắng, oan sai ở chốn công đường, công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", nhà mạng bắt tay tăng giá 3G… hay những vụ án chấn động dư luận như: Tù oan 10 năm được trả tự do, phi tang xác nạn nhân của Thẩm mỹ viện Cát Tường…đều được các đại biểu Quốc hội thẳng thắn đề cập tới trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Với 4 bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn, 7 bộ trưởng, trưởng ngành khác tham gia giải trình thêm, Thủ tướng Chính phủ báo cáo bổ sung và trực tiếp trả lời các câu hỏi, 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn ở nghị trường đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri, đồng bào cả nước.
Mỗi câu hỏi của đại biểu, dường như mang theo cả hơi thở cuộc sống, nỗi lòng cử tri. Diễn ra vào đúng thời điểm khúc ruột miền Trung đang oằn lưng gánh trận lũ lịch sử, phiên chất vấn cuồn cuộn những câu hỏi của đại biểu về trách nhiệm chống bão, phòng lũ, bảo vệ dân mà đỉnh điểm là những truy vấn gay gắt về trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng thủy điện xả lũ không đúng quy trình gây ngập lụt, thiệt hại nặng nề và liên tiếp các câu hỏi được đại biểu Quốc hội đặt ra, với chung một tâm tư là, các “tư lệnh” đã làm gì để thực thi trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân.
Cũng trong chương trình, lần đầu tiên ở kỳ họp Quốc hội, cử tri được chứng kiến các đại biểu Quốc hội trực tiếp giám sát việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành tại các Kỳ họp trước. Như nhận định của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc sau khi kết thúc kỳ họp, đây là bước đổi mới quan trọng trong tổ chức hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, với mục đích để các quyết định của Quốc hội được triển khai đồng bộ, toàn diện và có kết quả trong cuộc sống.
Bản lĩnh người điều hành Cần phải khẳng định rằng, dưới sự điều khiển khéo léo, dân chủ, công bằng và trí tuệ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn Chủ tịch, cả 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra với độ mở rất cao. Người điều hành đáp ứng hầu hết các mong muốn của đại biểu về vị “tư lệnh” được yêu cầu trả lời. Nhờ đó, kể cả một số vị trưởng ngành không có tên chính thức trong danh sách chất vấn, cũng được Chủ tọa yêu cầu giải trình thêm về các vấn đề “nóng” gây bức xúc dư luận. Cách điều hành hết sức hợp lý này vừa tạo ra cơ hội để bộ trưởng giải trình, thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu ngành, vừa làm thỏa mãn mong đợi của đại biểu và góp phần giải tỏa tâm tư, bức xúc của cử tri.
Cũng bởi thế, chia sẻ với phóng viên về cách thức điều hành của Đoàn Chủ tịch và chất lượng 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu đều bày tỏ thái độ hài lòng. Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) đánh giá: Có nhiều đổi mới trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này mà rõ nét nhất là phần thảo luận Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5.