Đề cập đến vai trò và vị thế APEC trong hệ thống kinh tế, thương mại của thế giới, Đại sứ Valery Sorokin cho biết APEC với sự quy tụ của 21 nền kinh tế, chiếm gần 40% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 49% thương mại toàn cầu, rõ ràng APEC đóng một vai trò rất quan trọng trong hệ thống kinh tế, thường mại quốc tế. Vị thế và vai trò của Diễn đàn hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương không ngừng được củng cố và phát triển. Khi mới thành lập vào tháng 11/1989 chỉ có 12 thành viên và đến nay đã thu hút 21 nền kinh tế tham gia.
Ngày nay, APEC đang trở thành một trong những cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới, góp phần đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế thế giới. Hoạt động hợp tác của APEC đạt được kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực như tự do hóa thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho kinh doanh... mức thuế, chi phí giao dịch thương mại giảm mạnh, trong khi tổng giá trị thương mại tăng lên.
Đạt được những thành quả này là do APEC tuân thủ các nguyên tắc hoạt động bình đẳng và cùng có lợi. Các nước thành viên cùng nhau soạn ra "luật chơi", nhưng không được phép đi ngược lại với các nguyên tắc hoạt động của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại, đầu tư và kinh doanh trong khu vực.
Tuy nhiên, theo Đại sứ Valery Sorokin, để phát huy kết quả đã đạt được và đẩy mạnh phát triển, APEC sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang manh nha trỗi dậy. Bởi vì, bảo hộ không đem lại lợi ích cho một nền kinh tế cụ thể nào mà xét về tổng thể nó sẽ gây tác động tiêu cực đến tất cả các quốc gia.
Nhằm đảm bảo kinh tế tăng trưởng lành mạnh, các nước thành viên APEC cần tập trung sức lực chống chủ nghĩa bảo hộ bằng các biện pháp kiên quyết cụ thể hơn. Bên cạnh đó, để góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực, các nước thành viên APEC cần phải đoàn kết nỗ lực để hiện thực hóa sáng kiến hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).
Liên quan đến lập trường và chính sách của Nga sẽ triển khai trong khuôn khổ APEC trong thời gian tới, Đại sứ Valery Sorokin khẳng định Nga rất coi trọng vai trò và vị thế APEC trong nền kinh tế thế giới. Với tư cách là một nền kinh tế thành viên của diễn đàn này, Nga luôn nỗ lực hành động với tinh thần và trách nhiệm cao nhất. Sự tích cực của Nga trong khuôn khổ APEC không phải nhằm mục đích phá thế bao vây, cấm vận của phương Tây. Bởi vì thực tế cho thấy chính những nước áp đặt các biện pháp chống Nga lại bị thiệt hại nặng nề nhiều hơn Nga.
Hơn nữa, một số nước áp đặt lệnh trừng phạt chống Nga cũng là thành viên APEC. Tất nhiên, Moskva rất bất bình với hiện tượng giống như chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, vi phạm "luật chơi" trong nền kinh tế toàn cầu, đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của WTO. Rõ ràng, cơ chế trừng phạt này là biến thể của những biện pháp bảo hộ mậu dịch. Trong khi đó, APEC kịch liệt phản đối chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, ủng hộ tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế sâu rộng trong khu vực cũng như trên thế giới. Nga đánh cao APEC, nơi các thành viên đều bình đẳng với nhau trong việc thảo ra các luật chơi chung.
Đại sứ Valery Sorokin nhấn mạnh Nga sẽ có những đề xuất cụ thể, nhưng trước hết Nga bày tỏ sự ủng hộ đối với những ưu tiên của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch APEC 2017. Những ưu tiên này trùng khớp những lợi ích của Nga, trong đó có thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm ; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Nga cũng rất khâm phục trước sáng kiến của Việt Nam đưa ra là soạn thảo chương trình hành động chung “Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội” trong khu vực APEC. Đây là chủ đề có quy mô rất sâu rộng, nó bao trùm tất cả các lĩnh vực sinh hoạt của nền kinh tế. Nga sẵn sàng tham gia để hiện thực hóa sáng kiến này.
Ngoài ra, Nga cũng đưa ra một số sáng kiến riêng nhằm tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế ở những khu vực xa xôi. Chủ đề này có lẽ cũng mang tính thời sự đối với APEC, tuy nhiên nó có ý nghĩa đặc biệt với Nga trong bối cảnh lãnh đạo đất nước coi phát triển kinh tế - xã hội ở Siberia và Viễn Đông là một trong những ưu tiên hàng đầu. Mặc dù có chương trình riêng nhằm phát triển khu vực Viễn Đông, song Nga rất cần kinh nghiệm, công nghệ của các đối tác trong APEC.
Theo Đại sứ Valery Sorokin, quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và LB Nga đang phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực. Nga đánh giá rất cao vai trò Chủ tịch APEC 2017 của Việt Nam. Trên cương vị nước chủ nhà, Việt Nam đã tiến hành một khối lượng công việc đồ sộ với nội dung rất phong phú, công tác tổ chức tuyệt vời.
Ông Sorokin nói: "Tôi hoàn toàn tin tưởng Hội nghị Cấp cao APEC sắp diễn ra tại Đà Nẵng sẽ thành công tốt đẹp. Hiện mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới là đối tác chiến lược toàn diện. Nga đánh gia cao và rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Với tư cách là 2 nền kinh tế thành viên APEC Nga và Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy diễn đàn này nói chung và quan hệ song phương nói riêng phát triển hơn nữa. Cần phải nhấn mạnh rằng trong khuôn khổ APEC phái đoàn của Nga và Việt Nam đã phối hợp hành động rất hiệu quả không chỉ trong năm nay khi Việt Nam giữ chức chủ tịch APEC mà kể từ năm 1998 khi 2 nước cùng gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế quan trọng bậc nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị cấp cao APEC cũng là cơ hội rất tốt để lãnh đạo 2 nước có các cuộc tiếp xúc, trao đổi và thảo luận những giải pháp hiệu quả tháo gỡ vướng mắc, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương lên một tầm cao mới".