Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Moskva ngày 3/7, giáo sư Kolotov đánh giá: “Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 vừa qua, Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động trong ASEAN để tìm giải pháp giải quyết các vấn đề cơ bản mà các nước Đông Nam Á đang gặp phải hiện nay”. Theo Giáo sư Kolotov, trong hơn 50 năm qua, đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh Việt Nam và các nước ASEAN đã đạt kết quả tốt trong việc phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ông nói: “Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức cuộc trao đổi ý kiến giữa các thành viên ASEAN và đưa ra chiến lược định hướng tầm nhìn phát triển hiệp hội trong 5 năm tới, đến năm 2025”.
Theo ông, dưới sự chủ trì của Việt Nam, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong các lĩnh vực, như trao đổi kinh nghiệm chống đại dịch COVID-19, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao vai trò của phụ nữ trong thời đại công nghệ kỹ thuật số, bảo đảm bình đẳng giới, nâng cao vai trò của thanh niên, soạn thảo chiến lược phát triển ASEAN trong tương lai. Ông đánh giá một trong những kết quả nổi bật nhất của hội nghị là "đề xuất chiến lược ASEAN đến năm 2025, qua đó, Việt Nam đã n hấn mạnh tinh thần đoàn kết là yếu tố hết sức quan trọng trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, nâng cao vai trò của tổ chức này trong tương lai, mà còn là nền tảng đảm bảo phát triển ASEAN một cách bền vừng, đồng lòng, vững mạnh cả bên trong và bên ngoài ASEAN”.
Theo chuyên gia Nga, vấn đề quan trọng nhất là duy trì an ninh khu vực để bảo đảm phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, Giáo sư Kolotov cho rằng việc vấn đề Biển Đông được nêu trong Tuyên bố chính thức của các lãnh đạo ASEAN đã cho thấy vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. Ông khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia có uy tín trên chính trường quốc tế vì Việt Nam luôn hoạt động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và hành xử có trách nhiệm. Lập trường của Việt Nam luôn nhấn mạnh vấn đề Biển Đông chỉ có thể được giải quyết theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) để đảm bảo ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không. Đó là những điều kiện cần thiết nhằm tạo nền tảng thuận lợi để phát triển ASEAN trong tình hình biến động khó lường hiện nay trên thế giới.