Là nguồn lực giữ vai trò quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực của mỗi quốc gia và khu vực - lực lượng kết nối giữa hiện tại với tương lai, việc thúc đẩy vai trò của thanh niên trong khu vực ASEAN không chỉ góp phần tăng cường tính bền vững trong các chiến lược phát triển mà còn thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực và quốc tế.
Đa dạng các hoạt động hợp tác thanh niên
Thời gian qua, hợp tác thanh niên trong khuôn khổ ASEAN, ASEAN+ đã đóng góp quan trọng trong tiến trình thực hiện các ưu tiên của ASEAN. Với những chương trình, hội nghị, hội thảo, dự án... cho thanh niên ASEAN được tổ chức tại các nước ASEAN với nhiều chủ đề đa dạng, các hoạt động nói trên đã thể hiện tính phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên của hợp tác thanh niên ASEAN, trong đó có bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao kỹ năng cho thanh niên, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đào tạo lãnh đạo trẻ và nhiều lĩnh vực khác.
Có thể kể đến một số hoạt động tiêu biểu như: Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên ASEAN (AMMY) được tổ chức luân phiên hai năm một lần tại các nước ASEAN; Hội nghị quan chức cấp vụ về thanh niên ASEAN (SOMY) được tổ chức hằng năm, thảo luận và thống nhất các sáng kiến và hoạt động hợp tác cụ thể trong ASEAN; Ngày Thanh niên ASEAN (ANDM) - hoạt động thường được lồng ghép vào các sự kiện lớn như Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên ASEAN và được nước Chủ tịch Thanh niên ASEAN đương nhiệm chủ trì; được tổ chức nhằm tôn vinh các thanh niên hoặc tổ chức thanh niên có thành tích xuất sắc trong một số lĩnh vực; Lễ tiếp kiến lãnh đạo cấp cao ASEAN.
Trong khuôn khổ ASEAN+, hợp tác thanh niên cũng được coi là điểm sáng với những hoạt động ghi lại nhiều dấu ấn: Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên ASEAN+3 (AMMY+3) được tổ chức luân phiên hai năm một lần tại các nước ASEAN cùng với Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên ASEAN (AMMY); Hội nghị quan chức cấp vụ về thanh niên ASEAN+3 (SOMY+3) được tổ chức hàng năm song song với Hội nghị SOMY, thảo luận, thống nhất các sáng kiến, hoạt động hợp tác cụ thể giữa ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nhằm xây dựng và phát huy vị thế trong khu vực, Nhật Bản đã đặc biệt chú trọng tới đối tượng thanh niên, những nhà lãnh đạo tương lai thông qua việc khởi xướng nhiều hoạt động hợp tác với thanh niên khu vực, tiêu biểu là Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản (SSEAYP), Chương trình Đào tạo lãnh đạo trẻ đồng sáng tạo tri thức (JICA), Chương trình giao lưu thanh niên, sinh viên ASEAN – Đông Á (JENESIS), Chương trình Giao lưu Phát triển Thanh niên Quốc tế (INDEX).
Năm 2004, Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên ASEAN+Trung Quốc lần thứ nhất đã thông qua Tuyên bố Bắc Kinh về hợp tác thanh niên ASEAN-Trung Quốc và Kế hoạch hành động chung nhằm thực hiện Tuyên bố Bắc Kinh. Theo đó, Trung Quốc đăng cai tổ chức các hoạt động hội thảo, diễn đàn, giao lưu với thanh niên ASEAN hàng năm tại Trung Quốc theo các lĩnh vực/đối tượng ưu tiên bao gồm lãnh đạo trẻ, doanh nghiệp trẻ, công chức trẻ... Việt Nam đã thường xuyên cử các đoàn tham gia các chương trình như Trại Thanh niên ASEAN - Trung Quốc, giao lưu viên chức trẻ ASEAN - Trung Quốc, Chương trình Sáng tạo trẻ ASEAN - Trung Quốc, chương trình Mê Kông - Lan Thương...
Trong những năm gần đây, Hàn Quốc khởi xướng và chủ trì một số hoạt động hợp tác thanh niên với ASEAN, tiêu biểu là “Chương trình giao lưu thanh niên ASEAN - Hàn Quốc hướng tới tương lai” được tổ chức hàng năm (từ năm 1994) tại Hàn Quốc với sự tham gia của trên 100 thanh niên từ các nước ASEAN và Hàn Quốc hay chương trình Diễn đàn tiên phong ASEAN - Hàn Quốc. Trong khuôn khổ chương trình này, Hàn Quốc cũng cử các đoàn đại biểu thanh niên đi thăm và giao lưu với thanh niên các nước ASEAN.
Năm 2020, khi Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN, theo chương trình, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn sẽ tổ chức nhiều hoạt động hợp tác thanh niên ASEAN, ASEAN+ tại một số địa phương trên cả nước, như: Lễ tiếp kiến thanh niên ASEAN với Lãnh đạo cấp cao ASEAN (bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 36), Diễn đàn thanh niên tình nguyện ASEAN mở rộng và Giải thưởng thanh niên tình nguyện ASEAN mở rộng tại Quảng Bình, Diễn đàn Doanh nhân trẻ ASEAN tại Quảng Ninh.
Tại Hà Nội, các chương trình được tổ chức gồm: Hội nghị Hội đồng Sinh viên ASEAN lần thứ 4, Hội nghị Lãnh đạo Thanh niên ASEAN (bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 37) và Hội thảo các nhà khoa học trẻ ASEAN+3.
Tạo điều kiện khuyến khích các phong trào thanh niên
Để đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu chung, Việt Nam đã tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác thanh niên ASEAN với nhiều cương vị như: Chủ tịch Tiểu ban Thanh niên ASEAN (nay đổi thành Hội nghị Quan chức cấp cao về Thanh niên ASEAN-SOMY) nhiệm kỳ 1996 – 1998; đăng cai tổ chức Hội nghị Tiểu ban Thanh niên ASEAN lần thứ 14 (năm 1996); Ngày Thanh niên ASEAN lần thứ 7 (năm 1998) và lần thứ 19 (năm 2013).
Đặc biệt, với tư cách là điều phối viên mảng đào tạo nghề cho thanh niên ngoài nhà trường trong ASEAN, Việt Nam đã đăng cai và triển khai thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tiêu biểu là Hội thảo về đào tạo nghề cho Thanh niên ngoài nhà trường (12/1997); Hội thảo về Đào tạo nghề cho thanh niên ngoài nhà trường lần 2 (10/1998); Tập huấn khu vực về kỹ năng tự lập nghiệp cho thanh niên ngoài nhà trường (5/2002); Thành lập danh bạ các Trung tâm dạy nghề cho thanh niên trong ASEAN, tiến tới nối mạng các Trung tâm.
Năm 2015, Việt Nam đã tổ chức Đại hội cựu thành viên Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á với sự tham gia của các đại biểu từ 10 nước Đông Nam Á - Nhật Bản. Cũng trong năm này Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Doanh nhân trẻ ASEAN+3 lần thứ nhất vào tháng 12 theo Sáng kiến Hà Nội mà Việt Nam đề xuất tại Hội nghị Bộ trưởng thanh niên ASEAN năm 2011 diễn ra tại Việt Nam. Diễn đàn nhận được sự tham gia của đông đảo các doanh nhân trẻ của ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tiếp nối thành công của Diễn đàn lần thứ nhất, tháng 12 năm 2018, Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Doanh nhân trẻ ASEAN+3 lần thứ 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của gần 100 đại biểu.
Là thành viên tham gia đóng góp vào trụ cột Văn hóa - Xã hội của Cộng đồng ASEAN tại Việt Nam, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã đóng góp tích cực vào các nội dung của trụ cột: tham gia Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025, xây dựng Kế hoạch hành động của Trung ương Đoàn - Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam nhằm thực hiện Đề án; cử đại diện lãnh đạo tham gia Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, đóng góp vào sự chuẩn bị của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, hợp tác trong khuôn khổ song phương với một số quốc gia thành viên ASEAN.
Với việc tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào các hoạt động, chương trình do các nước thành viên ASEAN tổ chức, trung bình mỗi năm Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có hơn 100 thanh niên tham gia các hoạt động giao lưu, hợp tác, hội nghị, hội thảo thanh niên do các nước ASEAN chủ trì tổ chức.
Các hoạt động này đã tạo cơ hội cho đại biểu thanh niên Việt Nam được tham gia vào các hoạt động quốc tế thanh niên trong khu vực, giúp thanh niên Việt Nam hiểu biết hơn về thanh niên các nước ASEAN, về cộng đồng ASEAN. Đây cũng là cơ hội để các bạn trẻ tranh thủ quảng bá, giới thiệu về Việt Nam, về các tổ chức thanh niên Việt Nam và các phong trào hành động cách mạng của thanh niên Việt Nam. Đại biểu Việt Nam tham gia các chương trình giao lưu, hợp tác thanh niên ASEAN, ASEAN+ đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, có chất lượng và trình độ cao, đóng góp vào thành công chung của đoàn đại biểu Việt Nam trong các chương trình giai lưu quốc tế. Đặc biệt, những năm gần đây, Trung ương Đoàn và Ủy ban thanh niên đã cải tiến phương pháp tuyển chọn, tập huấn đại biểu, giúp cho đại biểu được trang bị kĩ càng trước khi tham gia hoạt động.
Việc tích cực tổ chức và tham gia các hoạt động hợp tác thanh niên trong khuôn khổ ASEAN đã thể hiện trách nhiệm, nâng cao vai trò của Việt Nam trong khu vực, hỗ trợ và khuyến khích phong trào thanh niên trong nước, tạo điều kiện thiết lập và tăng cường hợp tác song phương về thanh niên giữa Việt Nam với các nước, góp phần thực hiện đường lối và chủ trương chung của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy hợp tác với các nước ASEAN và ASEAN+ 3.
Năm 2020, với chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đặt ra 5 ưu tiên nhằm góp phần phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; nâng cao năng lực thích ứng, hiệu quả hoạt động của ASEAN.
Là lực lượng xung kích, đi đầu trong việc thực hiện những nhiệm vụ của đất nước, để góp phần thực hiện những ưu tiên này, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cần quan tâm hơn tới công giáo dục cho thanh niên để nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức xã hội... trong thời đại kỷ nguyên số. Việc tăng cường hiểu biết văn hóa lẫn nhau, duy trì đoàn kết nội khối sẽ phát huy hiệu quả tích cực trong quá trình hội nhập để xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng đoàn kết, vững mạnh. Bên cạnh đó, quá trình thúc đẩy hợp tác về đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo kỹ năng... cho thanh niên cần được tập trung nhiều hơn.
Thanh niên Việt Nam nói riêng và thanh niên ASEAN nói chung cần nhận thức rõ về tầm quan trọng của Cộng đồng ASEAN, có hiểu biết sâu rộng về các mục tiêu mà Tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN vươn tới, để từ đây có những hành động thiết thực nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN trong tương lai.