Theo phóng viên TTXVN tại New York, tại phiên thảo luận, các nước tham dự đã bày tỏ lo ngại về tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng vẫn tiếp diễn, trong khi an ninh lương thực bị đe dọa vì các thách thức toàn cầu. Các nước kêu gọi tìm ra các giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững về xóa đói giảm nghèo, kêu gọi các đối tác phát triển, các cơ quan LHQ tăng cường hỗ trợ về tài chính, xây dựng năng lực và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Phát biểu thay mặt Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, khẳng định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ chốt tại khu vực Đông Nam Á, giúp tạo việc làm cho khoảng 32% dân số và đóng góp 22,6% cho GDP, đóng góp đáng kể vào nỗ lực chung xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững ở khu vực. ASEAN khẳng định sản xuất lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững đóng vai trò quan trọng vào nỗ lực khu vực và toàn cầu để phục hồi kinh tế, tăng trưởng xanh và đảm bảo an ninh lương thực. Tăng cường sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả hệ thống lương thực trên cơ sở Kế hoạch hành động ASEAN về lương thực bền vững và đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế và khu vực trong thực hiện Kế hoạch chiến lược hợp tác Nông nghiệp và Lâm nghiệp ASEAN 2016-2025 là các trọng tâm của ASEAN trong lĩnh vực này.
Về giảm nghèo, ASEAN cam kết đẩy nhanh nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa nghèo, giảm bất bình đẳng và cải thiện chất lượng sống cho người dân trong khu vực. Hợp tác khu vực được tăng cường thông qua việc thực hiện Khuôn khổ hành động ASEAN về phát triển nông thôn và giảm nghèo 2021-2025, thúc đẩy quan hệ đối tác tại nhiều khuôn khổ đối thoại của ASEAN và thúc đẩy sáng kiến Mạng lưới nông thôn ASEAN. ASEAN tiếp tục khẳng định cam kết đảm bảo sự tham gia của các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có phụ nữ và người khuyết tật trong chương trình nghị sự về phát triển nông thôn và xóa nghèo.
ASEAN sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước trong thúc đẩy lương thực bền vững, đảm bảo đầy đủ lương thực, đủ dinh dưỡng cho tất cả mọi người, xóa nghèo và phát triển nông thôn để không ai bị bỏ lại phía sau.