Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Bộ Nội vụ Việt Nam có đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; tại điểm cầu trực tuyến có đại diện Ban Công vụ các nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nội vụ Chu Tuấn Tú cho biết, Hội thảo là một trong những hoạt động để hiện thực hóa các nhiệm vụ của Việt Nam với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020. Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá hiệu quả, tính khả thi của các chính sách và quá trình ra quyết định; xác định vai trò của người dân trong quá trình xây dựng chính sách, ra quyết định. Đây cũng là dịp để các bên chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt về các sáng kiến để phát huy vai trò của người dân trong quản lý công nói chung và trong quá trình hoạch định chính sách, ra quyết định nói riêng; đồng thời đề xuất các giải pháp để tiếp tục khuyến khích, phát huy vai trò của người dân trong quản lý công, xây dựng chính sách công trong bối cảnh, tình hình mới.
Tham luận với chủ đề “Tham vấn công chúng về dự án luật, pháp lệnh trên internet - Kinh nghiệm từ Quốc hội Việt Nam”, ông Hoàng Minh Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội cho biết, thời gian qua, Quốc hội Việt Nam đã triển khai các hoạt động trực tuyến như họp Quốc hội, tổ chức cuộc họp của Đại hội đồng Liên minh nghị viện các nước ASEAN (AIPA) lần thứ 41… Các hoạt động này thêm một lần nữa thúc đẩy cách thức tham vấn thông qua internet nhằm đem lại hiệu quả cao trong việc xây dựng chính sách, pháp luật của Việt Nam.
Việt Nam quy định rất chặt chẽ việc xin ý kiến nhân dân bằng hình thức trực tuyến. Năm 2017, Văn phòng Quốc hội đã xây dựng website “Dự thảo online” để cung cấp thêm các công cụ tiện ích cho người dân dễ dàng tham gia góp ý vào các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản pháp luật. Sau 3 năm triển khai, đã có 98% dự án luật trong chương trình xây dựng pháp luật được đăng tải; 2% là các dự án liên quan đến an ninh quốc gia không được đăng tải. Các dự án thu được nhiều ý kiến của người dân tham gia như Hiến pháp 2013; Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Công an nhân dân… Trên cơ sở góp ý của người dân, Văn phòng Quốc hội đã tổng hợp báo cáo để gửi các đại biểu Quốc hội đánh giá, tham khảo. Kết quả, có đến 95% đại biểu đánh giá là hữu ích; 45,4% đại biểu thường xuyên sử dụng để tham khảo và phát biểu tại Quốc hội.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động tham vấn công chúng về dự án luật, pháp lệnh trên internet, ông Hoàng Minh Hiếu cho rằng, cần nâng cao và cải tiến cách thức tham vấn, đó là xóa bỏ khoảng cách bằng việc số hóa và đăng tải online; kết hợp truyền thông để người dân biết sự tồn tại của trang web và biết đến nội dung dự thảo luật, pháp lệnh; tăng cường sự tương tác giữa các cơ quan của Quốc hội, người dân, doanh nghiệp, tổ chức; có thể sử dụng các mạng xã hội để người dân biết được ý kiến của mình được tiếp thu như thế nào…
Đại diện Ban Công vụ Brunei cho rằng, ở mọi nơi trên toàn cầu, các Chính phủ đều đang phải đối mặt với những thách thức phức tạp, có mối liên hệ với nhau và thay đổi nhanh chóng. Chính phủ có nghĩa vụ tiếp cận người dân bằng cách truyền tải những thông tin có lợi, để họ có thể đánh giá tầm quan trọng của việc lập kế hoạch và phát triển trong tiến trình đi lên của đất nước.
Ở Brunei, sự tham của cộng đồng thường xuyên là một trong những sáng kiến trong khuôn khổ công vụ, nhằm hỗ trợ Chính phủ đối phó với những thách thức về kinh tế, xã hội, cũng như tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc hoạch định chính sách, thực hiện các quy định trong các chương trình, dự án do cơ quan Chính phủ thực hiện. Quy trình này gồm 6 bước: tăng cường sự quan tâm của công chúng; tập trung vào các vấn đề quan trọng; tiếp cận những kiến thức cụ thể; giảm thiểu những hậu quả, tác động không mong muốn; xác định các chiến lược phù hợp; cải thiện truyền thông và trách nhiệm giải trình.
Kết quả đạt được là Chính phủ Brunei đã trao quyền cho công dân và tham gia vào việc thực hiện các ưu tiên, mục tiêu quốc gia; cam kết với cộng đồng cùng nhau đưa ra các giải pháp và sự lựa chọn; khuyến khích và xây dựng các hỗ trợ chiến lược.
Bài học kinh nghiệm được đại diện Ban Công vụ Brunei đưa ra là sự tham gia của cộng đồng có thể tăng cường kết quả phát triển. Tham gia với công chúng có thể đem lại sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và hòa nhập xã hội cao hơn, dẫn tới những cải thiện hữu hình trong cuộc sống người dân. Chính phủ Brunei nhận ra tầm quan trọng của sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện chính sách và đưa ra quyết định phù hợp.
Đại diện Bộ Nội vụ Lào cho hay, Chính phủ nước này đảm bảo sự tham gia của người dân trong việc hoạch định chính sách, pháp luật. Tiếng nói của người dân có đóng góp rất quan trọng trong việc ra quyết định, Chính phủ thừa nhận sự tham gia của người dân và sự tương tác giữa các nhóm khác nhau.
Sáng kiến để tăng cường sự tham gia của người dân là điều tra phản hồi của người sử dụng dịch vụ, đây là kênh của chính quyền điều tra, khảo sát. Các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn và triển khai thực hiện dự án, nắm bắt tình hình triển khai trong khu vực đó.
Chính phủ Lào cũng thực hiện đo lường mức độ hài lòng của người dân và nắm bắt các đề xuất nhằm cải thiện tốt hơn các dịch vụ công. Các dịch vụ được tập trung đo lường như giáo dục, y tế, cung cấp nước sạch, giao thông công chính… Đất nước này mong muốn cải cách hệ thống văn bản nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút đầu tư vào đất nước và giảm bớt sự quan liêu hành chính; cung cấp cơ chế thuận lợi để tạo điều kiện cho các bên tham gia; giúp chính quyền địa phương hiểu đươc các lỗ hổng mà ở đó thiếu các dịch vụ nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển thiên niên kỷ…