Các bộ trưởng ASEAN và các nước đối tác khẳng định các hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng với mục tiêu đẩy mạnh đàm phán các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Thông qua các vòng đàm phán RCEP, ASEAN đã khẳng định vai trò trung tâm của mình trong việc trong việc tạo lập cấu trúc thương mại mới đóng góp vào hệ thống thương mại đa phương, đồng thời tạo nên những động lực để thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa và thuận lợi thương mại hóa phát triển. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh đang còn có những trở lực nhất định của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa đơn phương trong các quan hệ thương mại quốc tế.
Trên cơ sở đó, các bên cũng chỉ đạo định hướng tiến trình đàm phán Hiệp định RCEP với mục tiêu sẽ kết thúc đàm phán về cơ bản vào cuối năm 2018. Trong đó, các nội dung quan trọng nhất là: xây dựng các cơ chế về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại khu vực, chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, xóa bỏ rào cản thương mại, phát triển thương mại điện tử, xây dựng chỉ số thuận lợi hóa thương mại ASEAN, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs), tận dụng tốt các ưu đãi và hướng tới thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các nước ASEAN...
Trong khuôn khổ Hội nghị AEM 50, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN đã tập trung thảo luận một số ưu tiên trong trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại năm 2018 của ASEAN; rà soát tổng thể lộ trình thực hiện những cam kết trong các Hiệp định của ASEAN; tình hình thực hiện các ưu tiên năm 2018 nhằm hướng tới hoàn tất việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025.
Tại hội nghị lần này, các Bộ trưởng cũng đã đạt được các kết quả cụ thể là ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) để thông qua việc ứng dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN, và ký kết Nghị định thư thực hiện Gói cam kết dịch vụ thứ 10 (AFAS 10) thuộc Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ. Việc cho phép doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ được coi là bước tiến quan trọng trong ASEAN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tận dụng tốt hơn các ưu đãi trong khuôn khổ ASEAN.
Các kết quả này sẽ được tiếp tục triển khai để có thể báo cáo lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới tại Singapore.
Về hợp tác ngoại khối, các Bộ trưởng đã kiểm điểm lại các kết quả tích cực mà ASEAN với các đối tác đã đạt được trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Trung Quốc. Các Bộ trưởng cũng ghi nhận tình hình và tiến triển hợp tác với các đối tác khác như: Canada, Nga và Mỹ và đưa ra định hướng nhằm đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới.
Là Trưởng đoàn Việt Nam tham dự chuỗi các hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết chuỗi hội nghị AEM 50 và các hội nghị có liên quan lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc chuẩn bị đăng cai các cuộc họp của ASEAN vào năm 2020.
Trên cơ sở đó, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác trong việc duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN, vừa thúc đẩy đàm phán vừa bảo vệ tối đa lợi ích của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam trong đàm phán Hiệp định RCEP.
Với mục tiêu đạt được một hiệp định chất lượng cao và cân bằng về lợi ích, Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận và chủ động đưa ra đề xuất trong một số lĩnh vực nhằm xử lý vướng mắc giữa các bên trong khi vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, với tư cách là nước chủ toạ đàm phán về đầu tư trong RCEP, Việt Nam cũng xây dựng gói đàm phán về đầu tư để các Bộ trưởng thông qua, làm định hướng để kết thúc đàm phán. Ngoài ra, cùng với các nước ASEAN, Việt Nam đã tích cực góp phần và việc kết thúc đàm phán Chương Thủ tục hải quan và thuận lợi hoá thương mại.
* Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN 50 và các hội nghị liên quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc gặp với người đồng cấp Singapore, Indonesia, Hàn Quốc và Phó Đại diện Thương mại Mỹ Jeffery Gerrish để thảo luận một số vấn đề hợp tác song phương cũng như tăng cường phối hợp trong hợp tác đa phương và khu vực.
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing, hai bên nhất trí cần nỗ lực hơn nữa để đưa cán cân thương mại dần đi theo hướng cân bằng thông qua các biện pháp chủ yếu như: Hỗ trợ kết nối doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với các hệ thống siêu thị bán lẻ của Singapore; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để dần nối lại xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Singapore như thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, sữa...; kết nối giữa các Sở Giao dịch hàng hóa của Việt Nam và Sở Giao dịch hàng hóa Singapore; thu hút đầu tư của Singapore vào Việt Nam để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu trở lại thị trường Singapore và đi các nước thứ ba; tăng cường hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam tại thị trường Singapore.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukit, hai bên đã cùng nhau thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại đối với mặt hàng gạo và năng lượng, cũng như dỡ bỏ một số rào cản hiện nay đối với mặt hàng điện thoại di động và mặt hàng thép cán phẳng nhập khẩu từ Việt Nam.
Làm việc với Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Paik Un Gyu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc và các nước đàm phán RCEP để giải quyết các vấn đề chưa thống nhất, sớm hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định RCEP theo chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao các nước RCEP.
Với Mỹ, hai bên đã trao đổi phương hướng hợp tác về kinh tế - thương mại trong thời gian tới theo hướng một mặt củng cố các cơ chế hiện có như Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), Hiệp định Thương mại song phương (BTA)… nhưng mặt khác cũng thúc đẩy các cơ chế mới để giải quyết được các vấn đề hai bên quan tâm, kể cả vấn đề thâm hụt thương mại với Mỹ.
Việt Nam đã đề nghị phía Mỹ quan tâm và thúc đẩy các vấn đề về cấp phép nhập khẩu đối với một số loại trái cây Việt Nam (như xoài), xem xét áp dụng hợp lý chương trình thanh tra cá da trơn, hạn chế áp dụng các vụ kiện phòng vệ thương mại, công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.