Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto, Chủ tịch ADMM 2023, nhấn mạnh rằng hòa bình và an ninh là nền tảng để phát triển kinh tế và đảm bảo tiến bộ xã hội. Theo ông, khu vực không ổn định và an ninh thì không thể hấp dẫn đầu tư, thúc đẩy thương mại và bảo đảm sự ứng xử văn minh của xã hội. Vì vậy, chủ đề “Hòa bình, Thịnh vượng và An ninh” của ADMM-17 là rất phù hợp với bối cảnh cục diện thế giới đang có những biến động phức tạp như hiện nay.
Sau khi thông qua chương trình nghị sự, hội nghị đã nghe Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn thông tin cập nhật về các phát triển gần đây của ASEAN và thông qua Tài liệu hướng dẫn triển khai quy chế quan sát viên của Timor Leste trong ADMM, ADMM+ và các hội nghị liên quan.
Hội nghị đã nghe báo cáo về kết quả Hội nghị quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM) và thông qua Kế hoạch công tác ADMM giai đoạn 2023-2026, cũng như các văn kiện/sáng kiến mới trong ADMM như: Tài liệu khái niệm Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ góc độ quốc phòng, Tài liệu khái niệm về hài hòa các sáng kiến của ADMM và ADMM+, cũng như ghi nhận Tài liệu thảo luận về sử dụng tài sản quân sự nhằm duy trì an ninh lương thực trong khu vực.
Tại hội nghị, các trưởng đoàn đã nhất trí với các văn bản gồm: Dự thảo sửa đổi Quy trình hoạt động chuẩn của sáng kiến “ASEAN - Con mắt của chúng ta” (AOE); Bản đánh giá chu kỳ hiện tại của các Nhóm chuyên gia ADMM+; Tài liệu khái niệm về Chương trình các nhà lãnh đạo quốc phòng mới nổi Mỹ-ASEAN, đồng thời thảo luận một số nội dung khác.
Đặc biệt, hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung Jakarta vì hòa bình, thịnh vượng và an ninh, trong đó ghi nhận các mối đe dọa và thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; sự chuyển dịch địa chính trị và địa chiến lược trong khu vực và tác động của sự cạnh tranh giữa các nước lớn vốn có thể ảnh hưởng đến an ninh và thịnh vượng của ASEAN.
Tuyên bố chung nêu rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc và mục tiêu cơ bản được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tiến trình Bali, cũng như việc tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì hòa bình, thịnh vượng và an ninh trong khu vực.
Văn kiện này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn trong khu vực, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; kiềm chế và tránh các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc gia tăng căng thẳng ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định; sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, trong khi thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Trên cơ sở đó, Tuyên bố chung của hội nghị hoan nghênh các biện pháp xây dựng lòng tin hiện tại, như Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển, Hướng dẫn tương tác máy bay quân sự, Hướng dẫn tương tác trên biển, Cơ sở hạ tầng liên lạc trực tiếp ASEAN và các hoạt động trong khuôn khổ DOC nhằm thúc đẩy thông tin liên lạc, lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau cũng như giảm căng thẳng và nguy cơ xảy ra tai nạn, hiểu nhầm hay những tính toán sai lầm trên không và trên biển.