Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, phát biểu thay mặt ASEAN, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, tái khẳng định ASEAN ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm hiện thực hóa một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là giải pháp duy nhất để đảm bảo không sử dụng và đe dọa sử dụng loại vũ khí này.
ASEAN đề cao tầm quan trọng của Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) trong cơ chế toàn cầu về giải trừ quân bị, chống phổ biến và sử dụng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Đồng thời, ASEAN kêu gọi các quốc gia có vũ khí hạt nhân thực hiện nghĩa vụ và cam kết về giải trừ vũ khí này với lộ trình và hành động cụ thể, đề cao Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) là một thoả thuận lịch sử góp phần hướng tới mục tiêu này. Trong khi chờ loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, các nước cần tiếp tục ký, phê chuẩn để Hiệp ước Cấm thử hạt nhân (CTBT) sớm có hiệu lực.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định ASEAN ủng hộ các nỗ lực đóng góp của các khu vực phi vũ khí hạt nhân đối với cơ chế chống phổ biến và giải trừ quân bị. ASEAN cam kết duy trì khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và hoan nghênh nước sở hữu vũ khí hạt nhân sẵn sàng ký và phê chuẩn không kèm bảo lưu đối với Nghị định thư của hiệp ước, đồng thời khẳng định tiếp tục nỗ lực cùng với các nước còn lại thúc đẩy giải quyết các vấn đề còn tồn tại phù hợp với mục tiêu và nguyên tắc của hiệp ước này. Cuối cùng, Đại sứ nhấn mạnh cam kết của ASEAN đối với công việc của Ủy ban 1 nhằm mục tiêu loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí này vì hoà bình, an ninh và phát triển bền vững.
Ủy ban Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế, còn gọi là Uỷ ban 1, là một trong 6 ủy ban chính của ĐHĐ LHQ có chức năng xem xét, thảo luận về giải trừ quân bị, các mối đe dọa và thách thức đối với hoà bình và an ninh quốc tế, từ đó đề ra giải pháp phù hợp. Ủy ban 1 sẽ thảo luận 7 nhóm đề mục, trong đó có các vấn đề quan trọng như giải trừ và chống phổ biến vũ khí hạt nhân, cải tổ bộ máy giải trừ quân bị, tăng cường an ninh quốc tế, bảo đảm an ninh an toàn vũ trụ. Tại các đề mục này, các nước thành viên chia sẻ quan điểm quốc gia và giới thiệu các dự thảo Nghị quyết liên quan. Đề mục vũ khí hạt nhân là đề mục đầu tiên được thảo luận trong khuôn khổ Ủy ban 1.