Đối với bất cứ người Việt Nam đã từng đến London, có lẽ không ai không biết tấm biển xanh với dòng chữ “Năm 1913, Hồ Chí Minh (1890-1969) - người sáng lập nước Việt Nam - làm việc tại khách sạn Carlton, tòa nhà từng nằm trên nền đất này”, được gắn tại mặt trước của Tòa nhà New Zealand tại trung tâm London.
Mặc dù không phải là điểm đầu, cũng không phải điểm cuối trong hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng chính trong quãng thời gian không dài tại London (từ 1913-1917), Người đã tích lũy nhiều kiến thức quan trọng trên con đường tìm hiểu thế giới, để có thể mang về những điều tìm hiểu được, có lợi cho đồng bào của mình, góp phần quan trọng hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh, một tài sản vô giá trong công cuộc giải phóng dân tộc khỏi nô lệ áp bức và là kim chỉ nam của nhân dân Việt Nam trên con đường đi tới tự do, dân chủ, xã hội công bằng, văn minh.
Nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, với mong muốn tìm hiểu rõ hơn những câu chuyện về Người cũng như các yếu tố đã giúp hình thành nên tư tưởng của Người trong thời gian tại London, nhóm phóng viên TTTXVN tại London đã liên hệ với nhà sử học John Callow, cựu Giám đốc Trung tâm lưu trữ, Bảo tàng Thư viện Marx tại London, một người đã từng có nhiều năm nghiên cứu về Người, một người bạn lâu năm của Việt Nam.
Mở đầu, nhà sử học John Callow đưa chúng tôi ngược dòng thời gian trở về nước Anh thời kỳ những năm đầu thế kỷ 20, khi đó là một đế quốc hùng mạnh, có nhiều thuộc địa nhất trên thế giới, cũng như cái nôi của các cuộc cách mạng công nghiệp và chủ nghĩa tư bản. Nhưng nơi đây cũng hình thành các tư tưởng lớn về giai cấp công nhân, gia cấp vô sản, là nơi Karl Marx đã tổ chức và lãnh đạo thành lập Quốc tế cộng sản I vào năm 1864 cũng như hoàn thành và xuất bản Bộ Tư bản đầu tiên vào năm 1867.
Khi nhắc đến lý do Người chọn đến London trong hành trình của mình, ông Callow cho rằng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hành động dũng cảm khi quyết định rời Tổ quốc ra nước ngoài tìm con đường mới giải phóng dân tộc Việt Nam. Quyết định này của Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa trên khát khao muốn học hỏi, khát khao muốn tận mắt chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của thế giới, muốn hiểu rõ bản chất của chế độ thực dân. Sau quãng thời gian bôn ba, làm việc trên những con tàu buôn lớn lênh đênh giữa các nước đế quốc châu Âu và các thuộc địa ở châu Phi, đặt chân đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, bờ biển vùng Bắc Mỹ, tháng 5/1913, Người đến London.
Khi đó, London, được coi là công xưởng của thế giới, cái nôi của các cuộc cách mạng công nghiệp, là trung tâm của đế chế vĩ đại nhất về quy mô đất đai mà thế giới từng biết và là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới lúc bấy giờ. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến London để học tiếng Anh cũng như tận mắt quan sát về cách thức nắm giữ và sử dụng quyền lực của một đế quốc hàng đầu, về cuộc đấu tranh giai cấp trong lòng xã hội tư bản. Hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lựa chọn đúng đắn, có tính thực tế cao nhằm tìm hiểu, khám phá cả về chính trị, kinh tế và văn hóa của các nền văn minh khác nhau”.
Trong quãng thời gian tại London, Người đã làm nhiều công việc nặng nhọc như cào tuyết tại quảng trường Soho, điều khiển hệ thống nước nóng rồi phụ bếp trong khách sạn nhỏ Drayton Court, rửa bát đĩa trong khách sạn Carlton danh tiếng.
Nhà sử học John Callow cho rằng, chính trị thường bắt nguồn từ kinh nghiệm trong cuộc sống. Người làm việc không phải là để kiếm tiền hay mưu cầu một cuộc sống thoải mái hơn, mà để hiểu biết sâu sắc hơn bản chất những mắt xích trói buộc nhân dân mình và nhân dân các nước thuộc địa khác với các ông chủ đế quốc. Các công việc nặng nhọc này, giúp Người nhận ra rằng, tầng lớp lao động châu Âu ngay trong lòng đế quốc cũng bị bóc lột và nô dịch giống các dân tộc khác.
Gần khách sạn Carlton là công viên Hype Park nổi tiếng. Đây là một địa điểm quen thuộc để nhiều nhân vật nổi tiếng có tư tưởng tiến bộ đến diễn thuyết, là nơi diễn ra nhiều phong trào đấu tranh cho bất công xã hội. Từ đây, Người đã nhìn rõ hơn về bản chất của giai cấp tư sản, đế quốc thực dân; lắng nghe học hỏi các tư tưởng tiến bộ, biết đến phong trào công nhân quốc tế và từ đó hình thành ý tưởng của riêng mình. Người cũng bắt đầu tham vào phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Anh.
Chính tại London, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên tiếp cận và đọc các tác phẩm của Marx-Engels. Các tác phẩm này được in rất rẻ tại Nhà in Thế kỷ Hai mươi, cơ quan in ấn của đảng Dân chủ Xã hội Anh. Nhà in này đóng tại khu Clerkenwell Green trong thành phố, mà ngày nay tòa nhà này là trụ sở của Bảo tàng Thư viện Marx. Theo ông Callow, những cuốn sách này cực kỳ thú vị đối với Người. Người đã gửi một tấm bưu thiếp cho nhà yêu nước Phan Chu Trinh, khi đó đang ở Paris, viết rằng mặc dù ở xa gia đình và quê hương, nhưng Người không đơn độc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chế độ tư bản.
Nhà sử học John Callow nhận định: “Trong quá trình bôn ba, Người đã học được nhiều bài học quý báu nhằm thay đổi cuộc sống cho người dân Việt Nam tốt đẹp hơn. Nhưng chính tại Anh, Người đã tìm thấy mầm ươm cho con đường giải phóng dân tộc”...
Cùng ghé thăm Khách sạn Drayton Court, một trong những nơi Bác đã làm việc phục vụ bếp trong thời gian đầu đến Anh, ông Callow cho biết, theo tư liệu ghi lại Người từng ở trên căn gác xép nhỏ nhất dành cho nhân viên khi làm việc tại khách sạn này. Ông cho biết thêm, một trong những lý do Người chọn khách sạn này là bởi vị trí gần ga xe lửa và tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của London. Đây là địa điểm mà các chính trị gia, thương nhân thường hay bàn bạc công việc cũng như trò chuyện khi chờ đợi các chuyến tàu, và cũng qua các câu chuyện hữu ích nghe được, Người đã hiểu rõ hơn về cơ chế vận hành kinh tế, về chủ nghĩa tư bản.
Các câu chuyện thú vị về Bác có lẽ không có điểm dừng, song cũng đến lúc chúng tôi phải chia tay để ông Callow ra về và hẹn gặp lại ông trong những lễ kỷ niệm của Việt Nam tại Anh. Chúng tôi thầm cảm ơn nhà sử học John Callow về những câu chuyện, tư liệu quý giá mà ông đã chia sẻ. Nhờ những người như ông mà các câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn được trân trọng lưu giữ và truyền lửa nhiệt huyết cho các thế hệ sau này.