Bắc Ninh học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8/8/1921, tại Đình Bảng, Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Cả cuộc đời của đồng chí là tấm gương sáng trong, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Mặc dù ngày nay, đồng chí đã không còn nhưng đối với mỗi người dân Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung, những giá trị mà đồng chí để lại vẫn vô cùng quý báu, là động lực tinh thần cổ vũ các thế hệ người Bắc Ninh trong quá trình xây dựng và phát triển.   

Chú thích ảnh
Đồng chí Lê Quang Đạo (đầu tiên, bên phải) và đồng chí Trần Quốc Hoàn nói chuyện với các đại biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 1983 và triển khai nhiệm vụ năm 1984 của Ban Dân vận Trung ương (13/4/1984). Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN

Luôn hướng về quê hương

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan khẳng định là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, đồng chí Lê Quang Đạo vẫn luôn gần gũi gắn bó với nhân dân địa phương, dành cho quê hương những tình cảm thân tình và trách nhiệm. Đặc biệt, đồng chí thường xuyên nhắc nhở, động viên Đảng bộ và nhân dân Đình Bảng đoàn kết, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đình Bảng vốn có truyền thống cách mạng, cần phát huy để xứng đáng là một làng kiểu mẫu”. Đồng chí thường nói “Ai làm cách mạng cũng do xuất phát từ tình cảm quê hương, lòng yêu dân tộc”.

Về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh và Đại hội Mặt trận Tổ quốc tỉnh, đồng chí nhắc nhở cán bộ, đảng viên cần chăm lo công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ; tăng cường khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng và nhân dân, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, quan tâm đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ, phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, Bí thư Tinh ủy Bắc Ninh nói.

Còn đối với Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn, là thế hệ đi sau của đồng chí Lê Quang Đạo tại Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, những hình ảnh, tấm gương của đồng chí Lê Quang Đạo mãi mãi được ông khắc ghi. Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn nhớ lại:“Có lần tôi hỏi bác Đạo sao bác lấy tên là Lê Quang Đạo thì bác nói cái tên này theo tôi kể từ khi tôi tham gia hoạt động cách mạng vào năm 1941 với ý nghĩa đi theo con đường sáng. Qua đó nhắc nhở tôi trong từng suy nghĩ, hành động đều theo đường sáng đó”.

Khi còn sống, mặc dù gia đình ở Hà Nội nhưng đồng chí thường xuyên về quê. Nhà giáo Nguyễn Đức Thìn vẫn còn nhớ như in lần đồng chí Lê Quang Đạo về thăm Trường Tiểu học Đình Bảng, nay là Trường Trung học phổ thông Lý Thái Tổ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đồng chí đã cùng thầy và trò nhà trường ôn lại truyền thống hiếu học của nhà trường và kể chuyện thời còn đi học của mình. Mặc dù ngày đi học còn gian nan, khó khăn nhưng đồng chí luôn nỗ lực học tập hết mình, từ đó, cổ vũ tinh thần hiếu học trong lớp lớp học sinh.

“Đồng chí và gia đình luôn quan tâm đến quê hương, đã lập tủ sách gia đình với nhiều sách quý để cả nhà cùng đọc và học tập. Không chỉ vậy, đồng chí cùng vợ là bà Nguyễn Thị Nguyệt Tú đã nhiều lần tặng sách quý cho tủ sách của trường ở quê. Qua đó, giúp các thầy, cô giáo và các học sinh coi trọng văn hóa đọc, chọn sách quý, học tập và làm theo”, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn cho biết thêm.

Đặc biệt, đến cuối đời, khi đang dưỡng bệnh trong bệnh viện, đồng chí Lê Quang Đạo vẫn luôn hướng về quê hương. Thiếu tướng, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang Bắc, con trai đồng chí Lê Quang Đạo chia sẻ, đến nay, mặc dù bố tôi đã đi xa hơn 20 năm nhưng tôi vẫn luôn khắc ghi lời dạy của bố khi còn sống: “Sau này, khi bố không đủ sức khỏe thì các con cố gắng thay bố thăm hỏi họ hàng, quê nhà. Dù trong hoàn cảnh nào của đời sống và sự nghiệp cũng luôn nghĩ đến quê hương. Nếu có thể giúp gì được cho quê nhà thì nên làm”.

Biểu trưng của sức mạnh đoàn kết

Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Quang Đạo là một cán bộ tài năng, đức độ, ham học hỏi, giàu trí tuệ, luôn tôn trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân; sống giản dị, trong sáng, hòa hợp, đoàn kết với nhân dân. Đặc biệt, đồng chí luôn nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh củng cố, xây dựng Mặt trận đoàn kết toàn dân.

Ông Nguyễn Sỹ, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh, trong những năm công tác ở huyện Tiên Sơn (nay là thị xã Từ Sơn và huyện Tiên Du), tỉnh Bắc Ninh, ông đã vinh dự được tiếp xúc, gặp gỡ, được trực tiếp làm việc nhiều lần với đồng chí Lê Quang Đạo trên các cương vị khác nhau. Mỗi lần làm việc, đồng chí đã để lại trong ông nhiều hình ảnh, kỷ niệm, ấn tượng tốt đẹp, một tấm gương cao đẹp về tư tưởng, đạo đức, phong cách của một người lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Mặt trận.

Ông Nguyễn Sỹ cho biết, những lần đi công tác hay về thăm quê nhà, nhất là những lần về thăm và làm việc, dự và chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc trước đây, tỉnh Bắc Ninh tái lập và trước ngày đi xa, đồng chí Lê Quang Đạo thường quan tâm nhắc nhở: Từ tỉnh đến cơ sở cần phải thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ; tăng cường khối đoàn kết thống nhất trong Đảng và nhân dân, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, quan tâm đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ, phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân… Phong cách gần gũi, ân cần, cởi mở, chân tình, chu đáo là phẩm chất nổi bật ở đồng chí Lê Quang Đạo.

Đồng chí là tấm gương sáng về cuộc đời cao đẹp của người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một cán bộ lãnh đạo đức độ và tài năng, một con người đầy lòng nhân ái, vị tha, ham học hỏi, giàu trí tuệ, rất mực khiêm tốn, sống giản dị, trong sáng và thủy chung. Đồng chí là tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân. Cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của đồng chí Lê Quang Đạo và các lãnh tụ cộng sản tiền bối như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt mãi mãi là tấm gương sáng, là niềm tự hào, vinh dự lớn đối với tỉnh và mỗi người dân Bắc Ninh, ông Nguyễn Sỹ nhấn mạnh.

Còn trong ký ức của ông Ngô Đình Loan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh cho biết “Đồng chí Lê Quang Đạo hàng năm đều về thăm và làm việc với tỉnh, thường xuyên nhắc chúng tôi phải thật sự đoàn kết, trước hết là đoàn kết trong nội bộ Đảng, đoàn kết trong cấp ủy, nhất là trong cán bộ lãnh đạo. Đoàn kết để chăm lo cho dân no ấm, dân giàu, hạnh phúc, tỉnh mạnh. Muốn vậy, tỉnh phải đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nông dân đủ ăn, nông thôn ổn định và phát triển. Phải có bước đột phá phát triển công nghiệp, xây dựng tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì dân mới giàu có. Đồng thời phải chăm lo phát triển văn hóa, giáo dục, nâng cao dân trí, xứng tầm vùng Kinh Bắc- Bắc Ninh. Những lời dặn dò của đồng chí luôn được chúng tôi tiếp thu và thực hiện”.

Phát huy truyền thống của quê hương, đất nước, học tập và noi gương đồng chí Lê Quang Đạo, trong các giai đoạn cách mạng, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Bắc Ninh luôn phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, đoàn kết, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan, phát huy truyền thống của quê hương, đất nước, học tập và noi gương đồng chí Lê Quang Đạo, trong các giai đoạn. Từ một tỉnh thuần nông, quy mô kinh tế nhỏ bé, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn… sau gần 25 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, vượt bậc trên các lĩnh vực, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Quy mô kinh tế mở rộng, nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội đứng đầu cả nước; nhiều chính sách an sinh xã hội đi trước và cao hơn mức bình quân cả nước…

Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, Bắc Ninh là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng với sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Bắc Ninh đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, sản xuất tiếp tục được duy trì, đời sống nhân dân, người lao động được đảm bảo, trật tự xã hội được giữ vững.

Thời gian tới, Bắc Ninh tiếp tục quan tâm xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội theo hướng dẫn gần dân, phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục chủ động phòng, chống dịch, tập trung phát triển kinh tế, xã hội bền vững, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, gắn công nghiệp hóa với phát triển mở rộng không gian đô thị văn minh, hiện đại, phát huy lợi thế so sánh, tăng cường liên kết vùng, tạo động lực mới với vai trò cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô.

Đặc biệt, Bắc Ninh huy động mọi nguồn lực phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa-xã hội; chú trọng phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; quan tâm chăm lo các đối tượng chính sách, người có công, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; phát huy giá trị dân ca Quan họ và văn hóa, con người Bắc Ninh- Kinh Bắc.

Thanh Thương (TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo: Tấm gương ngời sáng về tinh thần đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo: Tấm gương ngời sáng về tinh thần đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo (8/8/1921-8/8/2021), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài viết: "Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo: Tấm gương ngời sáng về tinh thần đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội". Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết này:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN