Bài 3: Kiên quyết nói không với ‘chạy chức chạy quyền’

Quy định 08 do Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành về trách nhiệm nêu gương đã chỉ rõ có 4 thứ “chạy” phải kiên quyết chống: Chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu và chạy phiếu tín nhiệm.

Trong các vụ kỷ luật liên quan đến đảng viên cấp cao gần đây, như vụ Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn…, kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương về những sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên thường bao gồm nội dung “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ”. Những vi phạm này đã trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến hàng loạt vi phạm khác trong công tác quản lý kinh tế, hành chính, thậm chí là các vụ án hình sự, để lại những bài học đau xót trong quản lý cán bộ của Đảng, làm xói mòn niềm tin của nhân dân.

Dù không nói ra, nhưng đằng sau các vi phạm đó, dư luận ai cũng nhìn thấy bóng dáng của tình trạng chạy chức chạy quyền, vốn ngày càng trở nên phổ biến và tinh vi hơn.

Về hình thức, người ta không chỉ “chạy” trong nội bộ cơ quan mà còn “chạy” sang các cơ quan khác; không chỉ “chạy” cho mình mà còn “chạy” cho người khác. Về thủ đoạn, người ta không chỉ “chạy” bằng tiền mà còn “chạy” bằng dự án, thậm chí chạy cả bằng cái gọi là “vốn tự có”. Dư luận gần đây không còn nói “một người làm quan cả họ được nhờ”, mà thay bằng cụm từ “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ”. Họ còn nói về tình trạng “đấu thầu” các vị trí với từng “mức giá” cụ thể để được bổ nhiệm trong hệ thống lãnh đạo của một số ngành, địa phương. Mà phàm những gì dân gian tổng kết thì thường hay đúng.

Dù phổ biến như vậy, nhưng việc điểm mặt chỉ tên những người tham gia chạy chức chạy quyền không dễ dàng chút nào. Trong chạy chức chạy quyền, ranh giới giữa “vận động” và “hối lộ” rất nhỏ. Người “chạy” và người “được chạy” ít khi tố cáo lẫn nhau. Vì vậy, muốn đẩy lùi tệ nạn này trước hết phải trả lời được câu hỏi mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đặt ra tại một hội nghị chống tham nhũng toàn quốc cách đây hơn 2 năm: “Ai chạy, chạy ai?”.

Một đầu của sợi dây chạy chức chạy quyền luôn nằm ở phía các cán bộ, đảng viên thoái hóa đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy quyền lực. Họ có thể trực tiếp hoặc gián tiếp can thiệp vào công tác cán bộ, làm méo mó quy trình bổ nhiệm, qua đó đưa vào bộ máy những người không đủ năng lực, tiêu chuẩn. Vì vậy, để đẩy lùi tình trạng này, trước hết cần thấm nhuần thông điệp ngắn gọn nhưng mạnh mẽ của Quy định 08, đó là “cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”. Người đứng đầu nêu gương thì cấp dưới ắt sẽ làm theo. Người đứng đầu nói không với “chạy chức chạy quyền” thì cấp dưới sẽ không dám và không thể hối lộ, đút lót để leo cao, tiến sâu.

Ở đầu dây còn lại đương nhiên là những kẻ cơ hội, không đủ năng lực, tiêu chuẩn nhưng muốn tiến thân nhằm mưu lợi cá nhân. Để ngăn chặn các đối tượng này cần cụ thể hóa hơn nữa các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Công tác đề bạt, luân chuyển cán bộ phải được công khai, minh bạch. Các tiêu chí phải rõ ràng nhưng không quá coi trọng bằng cấp. Thi tuyển cạnh tranh nhưng cũng cần dựa vào thực tế hiệu quả công việc của người được bổ nhiệm, để xem xét có tái bổ nhiệm hay không.

Tiếp đến, để quy định đi vào cuộc sống phải xây dựng được các cơ chế kiểm tra, giám sát quyền lực thực sự có hiệu quả, để người muốn “được chạy” cũng không được, người cần “chạy” cũng không xong. Muốn vậy, người đứng đầu các tổ chức, cơ sở đảng cần gương mẫu trong xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát đó. Trong cơ chế này cần có sự tham gia hơn nữa của các tổ chức chính trị xã hội, báo chí và quần chúng nhân dân, đặc biệt đối với tài sản và thu nhập của cán bộ.

Nêu gương chống chạy chức chạy quyền đương nhiên là trách nhiệm chung mọi cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện. Tuy nhiên, Điều 3 của Quy định 08 thể hiện tầm quan trọng đặc biệt ở chỗ nó dành riêng cho các đối tượng là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương. Đây là những vị trí rất quan trọng, có sức tác động toàn diện, lan tỏa tới tất cả các cấp ủy Đảng và mọi đảng viên. Nếu các vị trí này “nêu gương” thực hiện triệt để, thì chắc chắn tệ nạn “chạy chức, chạy quyền” sẽ khó còn đất sống.

Vũ Hội
Bổn phận của người nêu gương
Bổn phận của người nêu gương

Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII ban hành đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN