Bài học kinh nghiệm sau ba mươi năm đổi mới quân sự, quốc phòng

Trong bài viết “Thành tựu và kinh nghiệm trong ba mươi năm đổi mới quân sự, quốc phòng”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã phân tích 5 thành tựu nổi bật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng của nước ta và chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm quý báu.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân

Nhìn lại 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, nổi bật ở những nội dung cơ bản sau:

Một là, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước.  Đây là thành tựu cơ bản, bao trùm nhất trong 30 năm đổi mới quân sự, quốc phòng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch thăm và làm việc tại Trung tâm huấn luyện Quốc gia Miếu Môn, ngày 10/11/2016. Ảnh: Hồng Pha

Hai là, nền quốc phòng toàn dân được xây dựng ngày càng vững mạnh toàn diện; có bước phát triển mới cả về bề rộng và chiều sâu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Có được kết quả đó là do sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt. Chúng ta đã nỗ lực xây dựng nền quốc phòng toàn dân toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ngày càng hiện đại; với bản chất hòa bình, tự vệ.


Ba là, chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân không ngừng được nâng cao.  Chúng ta đã chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xứng đáng là lực lượng nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, chúng ta đã có nhiều giải pháp mang tính đột phá trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân.


Bốn là, hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng không ngừng được đẩy mạnh, có bước phát triển đột phá cả về nhận thức và hành động; góp phần nâng cao vị thế của đất nước, Quân đội và xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác trong khu vực và trên thế giới.


Năm là, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất, tập trung của Nhà nước và sự tham gia của toàn dân đối với lĩnh vực quốc phòng.


Giữ vững thế chủ động

Từ những thành tựu, phân tích hạn chế và nguyên nhân, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:


Thứ nhất, thường xuyên quán triệt, nắm vững đường lối đổi mới, nhất là quan điểm, tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, lấy đó làm kim chỉ nam cho hoạt động quân sự, quốc phòng. Đây là bài học lớn vừa có tính nguyên tắc, vừa mang tính truyền thống và có ý nghĩa quyết định những thành tựu trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng trong sự nghiệp đổi mới của Đảng và toàn dân tộc.


Thứ hai, coi trọng công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo đúng tình hình, đảm bảo giữ vững thế chủ động trong mọi tình huống. Đây là cơ sở để Đảng, Nhà nước hoạch định các chủ trương, chính sách đổi mới đất nước, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.


Cùng với nghiên cứu, đánh giá, dự báo những vấn đề tác động trực tiếp, gián tiếp đến quốc phòng, an ninh của đất nước, chúng ta cần chủ động nghiên cứu, nắm vững chiến lược, sách lược của đối tượng, đối tác và chiều hướng phát triển của nó, cũng như các nhân tố có thể dẫn tới những đột biến, bất lợi để xử lý khéo léo, linh hoạt, kịp thời. Đặc biệt, chú trọng nghiên cứu, dự báo những vấn đề chiến lược mang tính tổng thể, dài hạn về quân sự, quốc phòng, bảo đảm luôn ở thế chủ động trong mọi tình huống.


Thứ ba, phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; tăng cường nội lực kết hợp với ngoại lực trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Kết hợp phát huy nội lực với tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, lấy nội lực là chính để tăng cường sức mạnh quốc phòng đã trở thành bài học quý của cách mạng Việt Nam, nhất là trong thời kỳ đổi mới đất nước.


Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới của Đảng khẳng định: Chúng ta bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Trong đó, sức mạnh bên trong của đất nước, của chế độ chính trị, nền kinh tế và tiềm lực quốc gia là nhân tố quan trọng, quyết định.     


Thứ tư, coi trọng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng.


Thứ năm, đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp, tạo đột phá trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Việc vận dụng bài học này nhằm đổi mới lĩnh vực quân sự, quốc phòng trong những năm tới phải được thể hiện trên từng mặt công tác, đảm bảo đổi mới phải toàn diện, đồng bộ từ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành đến tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp, nhưng phải phù hợp với đặc điểm của từng lực lượng và có trọng tâm, trọng điểm.


Trong quá trình đổi mới, nhất là đối với những vấn đề lớn, hệ trọng phải có hình thức và bước đi phù hợp; kiên quyết khắc phục tình trạng nóng vội, chủ quan, gây mất ổn định, kém hiệu quả; đồng thời, phải tích cực, chủ động, sáng tạo, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo đột phá mới trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

TTXVN/Tin Tức
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam thăm Cuba
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam thăm Cuba

Từ ngày 12-18/12, đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng nước ta do Thứ trưởng Bế Xuân Trường dẫn đầu đã có chuyến thăm chính thức Cuba.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN