Hậu quả của “siêu bão” hiện tại đang được thống kê tại các địa phương phía Bắc, nhưng theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào sáng 8/9 tại Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3, mức độ thiệt hại có thể sẽ lớn hơn rất nhiều nếu thiếu sự “tập trung phòng, chống, khắc phục” từ phía Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp; cấp ủy, chính quyền các cấp; lực lượng công an, quân đội và các lực lượng, các bộ, ngành có liên quan cùng các địa phương.
Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua ở Biển Đông. Cơn bão này đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ vào đêm 6/9, đến chiều 7/9 bão đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng với cường độ cấp 12-13, giật cấp 15, sau đó tiến vào các tỉnh, thành phố khác ở phía Bắc, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào sáng 8/9.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, “siêu bão” đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản của người dân ở nhiều địa phương tại khu vực phía Bắc. Tính đến sáng 8/9, bão số 3 làm 9 người thiệt mạng, 187 người bị thương; 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu; 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gãy đổ, cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ; 121.500 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; 5.027 ha cây ăn quả bị hư hại; trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi… Tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội điện lưới và mạng liên lạc viễn thông bị gián đoạn trên diện rộng.
Những thiệt hại này là không nhỏ, nhưng đã giảm thiểu rất nhiều so với sức tàn phá trên thực tế của cơn bão số 3 (có tên quốc tế là Yagi) cũng như cảnh báo trước đó từ phía các tổ chức khí tượng – thủy văn trong nước và nước ngoài.
Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, Hải Phòng cũng là trung tâm của cơ bão số 3, song mức thiệt hại được hạn chế rất đáng kể do địa phương đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có việc lập Sở chỉ huy tiền phương và Phó thủ tướng trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo công tác phòng, chống bão.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá, nhờ chủ động triển khai nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên thiệt hại về người, tài sản do bão số 3 trên địa bàn được giảm thiểu. Thiệt hại đáng kể nhất tại thành phố là có hơn 17.000 cây xanh bị gãy, đổ, gây ách tắc giao thông, mất điện cục bộ tại một số khu vực, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và ảnh hưởng hoạt động của các trạm bơm thoát nước…
Từ việc hạn chế đáng kể sự tàn phá của cơn bão “siêu mạnh”, chúng ta đã rút ra được những bài học quý giá trong công tác phòng, chống bão lũ. Cụ thể, công tác dự báo, cảnh báo bão phải có sớm, chính xác, liên tục; thông tin, tuyên truyền về thiên tai phải sâu rộng, đến người dân; công tác chỉ đạo, chuẩn bị ứng phó, tổ chức ứng trực phòng, chống lụt bão phải chủ động, quyết liệt.
Thực tế ứng phó với thiên tai dữ dội trong mấy ngày qua cho thấy, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp; cấp ủy, chính quyền các cấp; lực lượng công an, quân đội và các lực lượng, các bộ, ngành có liên quan đã tập trung lực lượng cùng các địa phương, nhân dân tập trung phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3. Đặc biệt, các chiến sỹ lực lượng vũ trang, dân quân – tự vệ, thanh niên xung kích đã không quản ngại hy sinh để bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân trong bão, lũ, sạt lở đất…
Đáng biểu dương là các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực điện, viễn thông, nước, y tế… Các đơn vị này đã thực hiện nghiêm các Công điện của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo cung cấp tốt nhất và khắc phục hậu quả để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu.
Bên cạnh đó là những hình ảnh đẹp của người dân tích cực tham gia cùng lực lượng chức năng phòng, chống bão, tương trợ nhau trong những tình huống khẩn cấp, nguy hiểm.
Trong những lúc gian nan, khó khăn, truyền thống đoàn kết của dân tộc lại được phát huy mạnh mẽ. Và hơn thế nữa, dưới sự chỉ đạo thống nhất, sự điều hành nhịp nhàng khoa học, sự đồng lòng của nhân dân, chúng ta duy trì được trật tự xã hội, tránh được những hỗn loạn thường xảy ra khi có thiên tai, sự cố tác động trên phạm vi rộng.
Cơn bão đã qua đi, chúng ta đang nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định đời sống của người dân, việc học tập của trẻ em và quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Những giải pháp lâu dài nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, các công trình, hạ tầng cơ sở, nhất là tại các khu vực dễ xảy ra thiên tai đã được tính đến. Cùng với đó, bài học rút ra từ phía cơ quan chức năng và từ sự tuân thủ của mỗi người dân có ý nghĩa quyết định trong việc giảm thiểu những thiệt hại không đáng có. Và bài học này không chỉ để phòng, chống những “siêu bão” mạnh hơn mà còn có thể áp dụng trong nhiều tình huống khẩn cấp khác.