Trong những năm qua, HĐND các tỉnh trong khu vực đã thực hiện tốt công tác giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh. Riêng trong năm 2021, bình quân HĐND các tỉnh Đồng bằng sông Hồng tiếp nhận từ 100 đến 150 ý kiến, kiến nghị của cử tri trước bầu cử và trước các kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh, thành phố. Hầu hết ý kiến được tiếp thu thông qua các đợt tiếp xúc cử tri trước các kỳ họp thường lệ, tập trung vào nhiều lĩnh vực như: Hoạt động đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông, đô thị, nông thôn; công tác quy hoạch đất đai, giải phóng mặt bằng, trật tự xây dựng, giao thông, môi trường, khai thác tài nguyên, khoáng sản, giải quyết chế độ chính sách...
Theo thống kê của các tỉnh, thành phố trong khu vực, có 15 - 25% ý kiến, kiến nghị của cử tri được trả lời hoặc giải quyết dứt điểm giữa 2 kỳ họp thường lệ; 20 - 35% ý kiến được giải quyết và có kế hoạch hoàn thành dứt điểm; 30 - 35% ý kiến chưa có nguồn lực hoặc chưa có điều kiện giải quyết trong ngắn hạn, được xây dựng kế hoạch, lộ trình giải quyết; có 2 - 5 % kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết, do thẩm quyền thuộc các cơ quan Trung ương, hoặc chưa có văn bản quy định, hướng dẫn, chưa có nguồn lực đáp ứng; cá biệt có ý kiến chưa được quan tâm giải quyết.
Tại hội nghị, các đại biểu là lãnh đạo, thành viên các Ban HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực đã phân tích, trao đổi làm rõ nhiều nội dung liên quan đến nâng cao chất lượng giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh, thành phố. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần phân loại kiến nghị của cử tri một cách rõ ràng, chính xác; trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri một cách rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, đúng trọng tâm, đảm bảo tính thuyết phục; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong giải quyết kiến nghị của cử tri...
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh, hội nghị thống nhất đề ra các giải pháp trọng tâm như: Nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, phân loại kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền giải quyết; tiếp tục tăng cường trách nhiệm của UBND tỉnh trong phân công, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan chuyên môn.
Ngay sau kỳ họp HĐND, UBND tỉnh phân loại các kiến nghị của cử tri, ban hành văn bản quy định về tiếp nhận, giao nhiệm vụ giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri do HĐND chuyển đến, trong đó cần xác định rõ trách nhiệm của từng sở, ban, ngành, địa phương, thời gian giải quyết, trách nhiệm của người đứng đầu. Mặt khác, HĐND các tỉnh cần nâng cao vai trò của các Ban của HĐND tỉnh, các tổ đại biểu HĐND tỉnh trong quá trình giám sát và xây dựng báo cáo kết quả giám sát, giải quyết kiến nghị của cử tri. Trường hợp còn nhiều kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng, HĐND tỉnh đưa ra kỳ họp chất vấn, yêu cầu cam kết thực hiện và ban hành Nghị quyết sau chất vấn.