Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình): Đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư và công khai minh bạch trước người dân
Đối tác công tư (PPP) cần được hiểu là cách thức công phối hợp Nhà nước với tư nhân để triển khai ở nhiều lĩnh vực chứ không phải chỉ huy động vốn cho phát triển hạ tầng.
Thời gian qua có nhiều vấn đề trong thực hiện PPP bởi dự án có nhiều tiềm năng song rất rủi ro, đối tác nhưng không phải là đối tác khi Nhà nước vẫn giữ vai trò chính và rủi ro thì doanh nghiệp chịu.
Vì vậy, dù huy động 1,6 triệu tỷ đồng nhưng mấy năm gần đây doanh nghiệp vẫn e ngại và không nhiệt tình tham gia. Do đó, mục tiêu quan trọng là phải tiếp tục khơi thông, vực dậy trong đối tác này và đảm bảo sự an toàn cho nhà đầu tư tư nhân.
Theo đó, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư được xây dựng cần bảo vệ và đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư cũng như công khai minh bạch với người dân.
Hơn nữa, cần xác định hợp đồng PPP là hợp đồng giữa Nhà nước và nhà đầu tư nên cần tôn trọng các đối tác, bình đẳng giữa Nhà nước và tư nhân.
Hiện có tình trạng thiếu tôn trọng hợp đồng PPP của cơ quan Nhà nước qua việc một số chủ đầu tư thực hiện trái với quy định, nên không tuân thủ hợp đồng, gây phiền phức cho nhà đầu tư.
Do đó, dự thảo luật cần bổ sung quy định theo hướng cơ quan Nhà nước, cán bộ Nhà nước khi đã ký hợp đồng phải có đủ thẩm quyền và tôn trọng hợp đồng, thực hiện cam kết Nhà nước với nhà đầu tư. Không chỉ bảo vệ nhà đầu tư trong thực thi pháp luật mà còn phải đảm bảo trong thay đổi hợp đồng.
Chẳng hạn như khi ưu đãi đầu tư nếu thay đổi mà bất lợi hơn thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi có lợi hơn trước đây.
Do đó, cần đảm bảo quyền lợi này theo nguyên tắc khi có sự thay đổi thì nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể thực hiện quyền lợi Nhà nước đã ghi cho họ.
Để thiết kế cụ thể trong luật cần ghi rõ trường hợp văn bản pháp luật mới ban hành có quyền lợi cao hơn thì được áp dụng văn bản mới, còn nếu bất lợi thì được áp dụng văn bản trước đó.
Nguyên tắc là không áp dụng theo trường hợp an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia sức khoẻ con người và bảo vệ môi trường… và nhà đầu tư phải được bồi thường.
Cùng với đó, việc đầu tư rủi ro thì cần phải có cơ chế đảm bảo đầu tư, Nhà nước sẽ áp dụng biện pháp đảm bảo đầu tư của Chính phủ với dự án PPP quan trọng.
Tuy nhiên, dự luật quy định các biện pháp phòng ngừa và quản lý rủi ro, Nhà nước đứng ra thiết kế dự án PPP, thực hiện biện pháp để đảm bảo đầu tư phải tính đến rủi ro và lập các kịch bản khi xảy ra rủi ro, các thiệt hại tối đa mà ngân sách phải chịu và dự phòng biện pháp ứng phó. Báo cáo này phải được Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp thẩm định…
Hơn nữa, Nhà nước phải chịu rủi ro với tư nhân và tính toán trong ngân sách để đảm bảo ứng phó rủi ro, có chia sẻ nhà nước chịu đựng bao nhiêu. Như vậy các nhà đầu tư mới yên tâm.
Mặt khác, phải công khai minh bạch lấy ý kiến nhân dân trước khi triển khai dự án này. Theo đó, bổ sung điều khoản lấy ý kiến cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức với cách thức tiếp nhận ý kiến trước 60 ngày trước khi trình cấp thẩm quyền. Cùng đó, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động với các dự án khi triển khai.
Nội dung cung cấp thông tin như thông tin cơ bản dự án, việc triển khai dự án, công khai minh bạch, trừ vấn đề an ninh quốc gia, đảm bảo có sự đồng thuận trong triển khai dự án và thông tin để nhân dân thực hiện quyền giám sát khi thực hiện dự án này.
Đại biểu Nguyễn Chí Dũng (Đoàn Quảng Trị): Cần có sự minh bạch, bình đẳng và chia sẻ rủi ro
Đây là vấn đề rất lớn nhưng cũng rất khó bởi có nước thì có luật, nước lại không có luật.
Hơn nữa, có những nước đánh giá rất cao hợp đồng PPP và xử lý tất cả những vấn đề xung quanh hợp đồng bằng Luật Dân sự chứ không hề có luật riêng. Tuy nhiên, tại một số nước lại có luật riêng.
Vì thế, tôi cho rằng rất cần có một Bộ luật và nên cụ thể hoá bằng hệ thống pháp luật đồng bộ, đầy đủ, hoàn chỉnh và tạo được niềm tin giữa các nhà đầu tư khi hợp tác với Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư công.
Về bản chất của dự án đầu tư PPP có rất nhiều đặc thù như đây là toàn bộ các dự án công, mục đích công nhưng lại có sự tham gia của đầu tư tư, quản lý tư và quan hệ giữa Nhà nước với nhà đầu tư là quan hệ đối tác.
Thay vì Nhà nước bỏ tiền ra thì Nhà nước sẽ làm chủ hoàn toàn nhưng vì hợp tác với tư nhân nên Nhà nước và tư nhân lại là đối tác của nhau. Do đó, cần có sự minh bạch, bình đẳng, chia sẻ cả mặt được cũng như rủi ro.
Từ bản chất của hình thức này như vậy, nên Luật cũng sẽ thiết kế rất nhiều điều khoản phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế về xu thế quốc tế hiện nay.
Theo tôi, Nhà nước chỉ tham gia một phần, tập trung vào giải phóng mặt bằng còn chủ yếu nhà đầu tư bỏ tiền và bóc tách dự án riêng.
Dự án luật nếu không tạo được sự công bằng, bình đẳng sẽ không thể đạt được mục tiêu xã hội hoá nhằm thu hút tư nhân tham gia xây dựng hạ tầng đất nước.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Đoàn Thừa Thiên-Huế): Tạo sự hài hoà giữa nhà nước và nhà đầu tư
Quan điểm của tôi về luật này phải dựa trên cơ sở các luật khác bởi chúng ta có Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu.
Luật Đấu thầu nếu Nhà nước đưa ra hình thức đầu tư theo PPP, tức là Nhà nước làm dự án và mời gọi PPP thì hình thức rộng rãi hơn.
Nhưng trong luật này cũng quy định nhà đầu tư lựa chọn dự án. Việc này cũng đưa ra đấu thầu rộng rãi và đấu thầu cả trên mạng là điều chưa phù hợp.
Chẳng hạn như bản thân tôi là nhà đầu tư, nghiên cứu một vùng chăn nuôi phải bỏ tiền ra nghiên cứu nhưng khi đấu thầu rộng rãi có thể tôi lại không được làm.
Trong dự án này nhà đầu tư báo cáo về dự án của mình, chủ động tìm dự án. Đây là vấn đề phải nghiên cứu vì có những vấn đề liên quan đến quốc phòng an ninh, công trình đặc biệt có thể chỉ định thầu.
Vì thế, nên chăng nên đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu vì nhà đầu tư bỏ vốn ra, tự chịu rủi ro và chịu mọi vấn đề khác.
Hiện tại, BOT hay PPP với các dự án giao thông đều là chỉ định thầu nhưng quan trọng là người duyệt dự án hết sức quan trọng.
Vì vậy, phải có năng lực và công khai minh bạch cũng như tạo sự hài hoà giữa lợi ích doanh nghiệp, nhà nước và nhân dân.