Luôn coi trọng vấn đề này, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản, quy định, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đáng chú ý là Quy định 47-QĐ/TW (ngày 1/11/2011) về những điều đảng viên không được làm; Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp (ngày 7/6/2012) và Quy định 08-QĐi/TW trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (ngày 25/10/2018).
Theo đó, có những việc pháp luật không cấm, nhưng cán bộ, đảng viên không được làm.
Tiên trách kỷ…
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao chuyện Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên và người nhà được xe sang biển xanh đón tại cầu thang máy bay ở sân bay Tuy Hòa. Hình ảnh được đưa lên mạng ngày 6/7 và lan truyền "nhanh như tia chớp" trên các ứng dụng mạng xã hội.
Ngày 7/7, Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên xác nhận sự việc nói trên và khẳng định việc điều xe vào khu vực an ninh của sân bay để đón lãnh đạo tỉnh là "không trái với quy định". Văn phòng còn dẫn ra Nghị định số 04/2019 ngày 11/1/2019 của Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
Bản thân Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên cũng lên tiếng rằng ông thực hiện công vụ và "không hưởng sai chế độ". Ông còn trưng ra tấm vé máy bay có ghi tên ông để khẳng định, xe công vào sân bay đón ông, còn người nhà chỉ đi cùng chuyến bay.
Tại các địa phương khác rải rác trong thời gian qua cũng có những vụ việc tuy được coi là "không trái với quy định" nhưng vẫn khiến dư luận xôn xao.
Mới đây nhất là trường hợp "thiếu gương mẫu vẫn được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy phường" ở thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang). Ngày 3/7/2020, Thành ủy Long Xuyên xác nhận vừa có Quyết định ông Phạm Vĩnh Thạo, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Long Xuyên, đến nhận nhiệm vụ tại Đảng bộ phường Mỹ Hòa, đồng thời chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Đảng ủy phường Mỹ Hòa, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trớ trêu là trước đó, ngày 23/12/2019, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang đã có Quyết định số 207-QĐ/UBKTTU kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phạm Vĩnh Thạo vì thiếu gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Cụ thể, ông Phạm Vĩnh Thạo đang có vợ nhưng có quan hệ nam nữ không trong sáng, được lãnh đạo tổ chức đảng có thẩm quyền giáo dục, nhắc nhở nhưng vẫn tái phạm. Thời gian thi hành kỷ luật là 12 tháng kể từ ngày 30/12/2019.
Theo nhận định của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang, vi phạm của ông Thạo gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, làm suy giảm uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan.
Tuy nhiên, trả lời phóng viên TTXVN, bà Đặng Thị Hoa Rây, Phó Bí thư Thành ủy Long Xuyên (An Giang) vẫn khẳng định việc điều động Phạm Vĩnh Thạo sang vị trí công tác khác thấp hơn khi ông đang chấp hành kỷ luật là "hết sức bình thường và đúng theo quy định".
Tương tự, trong tháng 6/2020, tại Đại hội Đảng bộ xã Quỳnh Tân (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), ông Hồ Minh Mậu đã trúng cử chức Phó Bí thư Đảng ủy xã nhiệm kỳ 2020-2025. Việc này làm dậy sóng dư luận địa phương do ông Hồ Minh Mậu đã có nhiều sai phạm và nhiều lần bị kỷ luật dưới hình thức từ “khiển trách” tới “cảnh cáo”.
Đặc biệt, ông Mậu từng có hành vi đáng bị lên án về mặt đạo đức và đã nhận quyết định kỷ luật về việc này - "ăn chặn tiền bão lũ của dân, kê khống diện tích thiệt hại từ 287 ha lên 575 ha để rút tiền Nhà nước, chiếm giữ 99.740.000 đồng".
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu Hoàng Danh Lai vẫn khẳng định, quá trình cơ cấu cán bộ được thực hiện “đúng quy định”.
Trước đó, tháng 8/2019, dư luận ở Nghệ An cũng xì xào về trường hợp chị Q.A. (24 tuổi) được quy hoạch làm Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An, được cử đi học khóa cao cấp lý luận chính trị khi chưa qua lớp trung cấp lý luận chính trị và mới làm việc tại một cơ quan nhà nước chưa đầy 15 tháng.
Khi được các nhà báo phỏng vấn, ông Hồ Phúc Hợp, Trưởng ban Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An, khẳng định rằng việc chị Q.A. chưa có bằng trung cấp lý luận chính trị nhưng đi học lớp cao cấp lý luận chính trị là "không sai".
Còn tại một tỉnh miền núi phía Bắc, người từng đứng đầu địa phương này thừa nhận trước các cơ quan báo chí: “Tám người thân của tôi đã được bổ nhiệm (vào những chức vụ chủ chốt tại các cơ quan trong tỉnh)”. Tuy nhiên, theo ông, tất cả các trường hợp bổ nhiệm này (vợ, các em trai, em gái, em rể, các anh em họ) đều “đúng quy trình, không có gì khuất tất”.
Soi vào "trách nhiệm nêu gương"
Khi nói về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống.
Nếu tấm gương đó không thực sự sáng trong thì có tác dụng ngược.
Bình luận về trường hợp Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên (cùng người thân) được ô tô vào đón ở sát cầu thang máy bay, đa số ý kiến cho rằng, dù đúng quy định cũng gây phản cảm. Có ý kiến đề nghị, nên "rạch ròi công - tư" trong câu chuyện ở sân bay Tuy Hòa, xe công được cấp phép vào sân bay là để đưa đón lãnh đạo đi làm việc công, theo đúng tiêu chuẩn chức danh, chứ không phải đón lãnh đạo và người nhà.
Bản thân cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu, rạch ròi phân minh giữa việc công và việc tư. Bởi bản thân việc một quan chức cho người thân "đi nhờ" trên xe công vụ không phải là chuyện quá to tát, nhưng từ chuyện đó người ta dễ liên tưởng đến những đặc quyền, đặc lợi khác mà người thân quan chức có thể được hưởng.
Việc Thành ủy Long Xuyên điều động ông Phạm Vĩnh Thạo đến nhận nhiệm vụ tại Đảng bộ phường Mỹ Hòa, chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy phường, dù là hạ chức, được viện dẫn theo đúng quy định, nhưng với những vi phạm, khuyết điểm mà ông đã mắc phải, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong phường khó có thể tâm phục, khẩu phục một cán bộ đang bị kỷ luật lại trở thành người đứng đầu tổ chức Đảng ở địa phương mình.
Hay trong câu chuyện của ông Hồ Minh Mậu, cách xử lý của Huyện ủy Quỳnh Lưu (Nghệ An) không được người dân tâm phục khẩu phục dù quy trình cơ cấu cán bộ được coi là “kín kẽ”. Trường hợp của chị Q.A. ở Nghệ An, dù được giải thích như thế nào, vận dụng văn bản này, quy định nọ, thì cũng khó để mọi người tin rằng ông bố chị này (một Trưởng ban Đảng của tỉnh) hoàn toàn "không biết", "không liên quan".
Sự việc nhiều người thân của vị nguyên lãnh đạo tỉnh miền núi phía Bắc được nắm giữ các chức vụ chủ chốt tại địa phương khi ông này đương nhiệm cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực. Mặc dù việc bổ nhiệm chưa bị cơ quan chức năng kết luận là sai quy định, song dư luận có quyền băn khoăn về tính khách quan, công bằng khi thực hiện quy trình này.
Một số việc tuy không vi phạm quy định, quy chế, nhưng đã là cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ đang giữ các cương vị nhất định thì càng không nên làm. Bởi khi phạm phải, dù không bị pháp luật "gọi tên" thì họ cũng bị dư luận phê phán, làm sai lệch hình ảnh người cán bộ, đảng viên.
Quy định 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm nêu rõ rằng, đảng viên không được làm "những việc pháp luật không cấm, nhưng ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên".
"Không cấm" và "không nên làm" là hai phạm trù khác nhau, nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau là như vậy.