Dấu ấn về Hồ Chí MinhNăm 1921, Bác với tên gọi Nguyễn Ái Quốc cùng một số chính khách thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa. Năm 1922, tại Pháp, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã tham gia sáng lập tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ) in bằng tiếng Pháp, số 1 ra ngày 1/4/1922 tại Pa-ri và Người được coi là “linh hồn” của tờ báo.
Ngày 8/6/2016, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Ban lãnh đạo Thông tấn Xã Việt Nam. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Nội dung của báo phong phú, đa dạng, đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng ý tưởng cơ bản là thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc vào phong trào đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc nhằm giải phóng con người, giải phóng xã hội. Người vừa làm chủ bút, chủ biên, giữ quỹ, vừa là người phát hành và bán báo. Với báo “Người cùng khổ”, bằng ngòi bút sắc sảo, Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần tội ác của bọn xâm lược tại các thuộc địa để nhân dân Pháp, nhân dân thế giới thấy, hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa, đòi quyền sống, quyền con người, quyền dân tộc tự quyết của các dân tộc thuộc địa trên thế giới, trong đó, có nhân dân Việt Nam.
Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Quảng Châu (Trung Quốc). Để tuyên truyền những tư tưởng cách mạng vào trong nước, Người sáng lập tờ báo Thanh niên, số đầu tiên xuất bản Thanh Niên (21/6/1925). Chính vì vậy, tháng 2/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V) quyết định lấy ngày 21/6/1925 là ngày truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam, mốc đánh dấu quá trình hình thành và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.
Tiếp theo báo Thanh niên, tháng 12/1926, Bác lập ra báo Công nhân cho giai cấp công nhân và nông dân nước ta. Tháng 1/1927, báo Lính Cách mệnh (tiền thân của Quân đội nhân dân ngày nay) dành cho đội ngũ chiến sĩ cách mạng cùng được Bác sáng lập. Các báo này xuất bản bằng tiếng Việt, nhưng còn có cả một số tin, bài bằng tiếng Hán, Anh, Pháp… Hình thức mới và gần gũi, nội dung phong phú, luôn bám sát các chủ trương, mục tiêu cách mạng. Sau nhiều năm hoạt động ở nước ngoài, Bác về nước chỉ đạo cách mạng năm 1941, Hồ Chí Minh sáng lập tờ Việt Nam độc lập tại Cao Bằng, số đầu ra ngày 1/8/1941, là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh mới được thành lập (19/5/1941) với mục tiêu: “Việt Nam độc lập thổi kèn loa/ Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/ Để cùng nhau cứu nước Nam ta”.
Tờ báo tồn tại và tham gia vào quá trình vận động cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công (8/1945). Ngay từ khi mới khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn đặc biệt quan tâm việc thành lập và chỉ đạo rất sâu sát các cơ quan thông tin đại chúng của Đảng, Nhà nước, cụ thể như Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam... Đặc biệt, trong nhiều năm trên cương vị Chủ tịch Nước, dù vô cùng bận việc quốc gia đại sự, song Bác Hồ đã dành thời gian viết nhiều bài báo đăng trên Báo Nhân Dân. Theo giáo sư, tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Bác Hồ đã viết hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ... và Bác có gần 200 bút danh.
Phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mớiTrong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành một “binh chủng” quan trọng trên “mặt trận tư tưởng”; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là "lời hịch cách mạng", "tiếng gọi non sông" thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận. Từ trong máu lửa chiến tranh, hàng trăm nhà báo - chiến sĩ của chúng ta đã anh dũng hy sinh, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng, của dân tộc Việt Nam Anh hùng.
Trong công cuộc đổi mới tròn 30 năm qua (1986 - 2016) do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, báo chí đã có bước tiến nhảy vọt về chất và lượng. Từ vài chục cơ quan báo chí trong ngày đầu giành chính quyền, đến nay theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có hơn 850 cơ quan báo chí, hơn 18 ngàn nhà báo và hàng vạn người viết báo không chuyên; tất cả mang “duyên nợ” với Đảng, theo ý Đảng, hợp lòng dân đã cùng nhau làm nên những thành tựu to lớn và sâu sắc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Đây là số lượng không nhỏ, chứng tỏ sự phát triển nhanh, mạnh và rộng khắp của báo chí nước ta trong những năm qua. Chúng ta có quyền khẳng định rằng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới có một phần đóng góp rất quan trọng và vinh dự cao cả thuộc về giới báo chí và đội ngũ những người làm báo cách mạng nước nhà. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, ưu điểm và tiến bộ nói trên, hoạt động báo chí cũng còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm.
Công cuộc đổi mới đất nước trong giai đoạn tiếp theo diễn ra trong sự tác động đan xen của những thời cơ và thách thức lớn. Một trong những thách thức đã được Đảng ta xác định là nguy cơ từ sự chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa bởi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch đã, đang đẩy mạnh nhiều hoạt động thâm độc, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gây chia rẽ, mất đoàn kết từ bên trong nội bộ Đảng và Nhà nước ta; khi thời cơ đến chúng sử dụng tổng hợp các biện pháp cả vũ trang và phi vũ trang; kết hợp “cả trong và ngoài”, trong đánh ra, ngoài đánh vào để hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tiến tới xóa bỏ chế độ XHCN, chuyển hóa Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Trước tình hình đó, báo chí cần có nhiều tin, bài phân tích sâu sắc, có lý, có tình, có sức chiến đấu và thuyết phục nhằm bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, giúp cán bộ, Đảng viên, nhân dân nâng cao nhận thức và hành động đúng, không bị mắc mưu các thế lực phản động.
Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII xác định mục tiêu tổng quát 5 năm tới là: "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, bảo vệ đảng, bảo vệ nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa" (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội. 2016, tr.429). Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra, một trong những nhiệm vụ trọng yếu của báo chí là truyền bá hệ tư tưởng, quan điểm của chủ nghĩa Mác - LêNin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng tới quần chúng nhân dân, làm cho hệ tư tưởng này trở thành chủ đạo trong toàn bộ đời sống xã hội. Báo chí cần thông tin, tuyên truyền chính xác, kịp thời, đúng định hướng nội dung các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để các văn bản này được triển khai sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả.
Không những thế, qua báo chí, nhân dân còn có thể đóng góp nhiều ý kiến, phản biện các dự thảo luật, các chính sách, giúp Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, ban hành mới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập thế giới, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng. Qua báo chí, Đảng và Nhà nước có thêm kênh thông tin để nắm bắt được tình hình thực tiễn lao động sản xuất của các tổ chức, cá nhân, các bộ, ban, ngành, đoàn thể với những đòi hỏi, thách thức, những biểu hiện tích cực và tiêu cực; nắm bắt xu thế vận động khách quan của thời đại; nắm bắt những những luồng thông tin từ bên ngoài; nắm bắt dư luận xã hội, ý chí, nguyện vọng, tinh thần... của quần chúng nhân dân.
Kỷ niệm 91 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam năm nay vào thời điểm khắp mọi miền Tổ quốc náo nức chào mừng thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; cả nước đang ra sức thi đua triển khai và thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; tiếp tục quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tổ chức quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị. Đây là dịp mỗi nhà báo gắn việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng của Bác nói chung và tư tưởng, đạo đức nghề báo nói riêng gắn với nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII bằng những tác phẩm báo chí thiết thực, mang tính thời sự nóng hổi, làm rung động lòng người, làm nảy nở những tài năng báo chí, bồi đắp phẩm chất và phong cách người làm báo cách mạng - cội nguồn của sự chăm sóc, tin yêu hết lòng của Đảng, của dân.