Trong bài viết ngày 4/6 với tiêu đề “Chính phủ Việt Nam quan tâm bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer”, Koh Santepheap - tờ báo uy tín lâu đời ở Campuchia - nhận định Việt Nam là đất nước có nền văn hóa phong phú với vẻ đẹp đa dạng từ bản sắc văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Các chính sách liên quan của Chính phủ Việt Nam đều xác định việc giữ gìn bản sắc văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer, chính là giữ gìn bản sắc văn hóa của đất nước, con người Việt Nam nói riêng và văn hóa nhân loại nói chung.
Theo Koh Santepheap, xuất phát từ quan điểm đó, cùng với việc nhận thức rõ về giá trị, vai trò của tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Khmer nói riêng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa, ngày 15/7/2010, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 82 về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Để cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị định trên, ngày 22/11/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã ban hành thông tư quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Trong đó, quy định rõ phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; điều kiện tổ chức dạy học; quy trình đưa tiếng dân tộc thiểu số vào dạy học; nội dung, phương pháp và kế hoạch dạy học; hình thức tổ chức dạy học; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và chế độ chính sách đối với các chủ thể, đối tượng liên quan.
Trước đó, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã ký ban hành Quyết định số 1719, chính thức phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có nội dung bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Sau khi tiếp cận vấn đề từ góc độ chính sách, bài viết trên Koh Santepheap nhận định: “Xuất phát từ các chủ trương, chính sách và nguồn lực đầu tư lớn của nhà nước, trong những năm qua, các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã tích cực triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch theo hướng đổi mới phương thức giảng dạy, không ngừng nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất ngành giáo dục, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và bảo tồn tiếng nói, chữ viết của cộng đồng dân tộc thiểu số nói chung và người Khmer ở Việt Nam nói riêng”.
Trong bài viết ngày 3/6, trang tin Looking Today của DAP News đã giới thiệu về hoạt động dạy và học tiếng dân tộc ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống ở Việt Nam.
Bài viết trên trang Looking Today cho biết đồng bào Khmer tại Việt Nam có khoảng 1,2 triệu người, sinh sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang... là một bộ phận gắn bó trong cộng đồng các dân tộc cộng cư lâu đời tại "Đất nước hình chữ S"… Trong những năm qua, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer có bước phát triển đáng ghi nhận với nhiều đổi thay tích cực. Các địa phương có đông đồng bào Khmer ở Việt Nam luôn ưu tiên quan tâm công tác dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc theo đúng tinh thần, nội dung của Nghị định số 82 của Chính phủ Việt Nam về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Theo bài viết, là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống ở Việt Nam, ngành giáo dục hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng luôn chú trọng công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer, thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với việc giữ gìn, phát huy giá trị tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer.
Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện có 125 điểm trường học dạy tiếng Khmer cho gần 36.000 học sinh. Trong đó, có 80 trường tiểu học, 41 trường trung học cơ sở và 4 trường trung học phổ thông. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh còn có Đại học Trà Vinh, cơ sở giáo dục bậc đại học đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có các chuyên ngành đào tạo liên quan ngôn ngữ, văn hóa và các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer.
Về định hướng trong thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở giáo dục phổ thông cấp tiểu học đủ điều kiện tổ chức dạy tiếng Khmer; 45% giáo viên dạy tiếng Khmer đạt chuẩn đào tạo theo quy định. Dự kiến đến năm 2030, tỉnh Trà Vinh tổ chức dạy học tiếng Khmer tại 100% cơ sở giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở đủ điều kiện; 100% giáo viên dạy tiếng Khmer đạt chuẩn đào tạo theo quy định.
Trong bài viết ngày 4/6 trên trang chủ phiên bản tiếng Khmer, AKP đã giới thiệu về hoạt động tổ chức dạy và học tiếng Khmer ở các tỉnh, thành phía Nam của Việt Nam. Theo AKP, tiếp giáp với tỉnh Trà Vinh, phía bên kia sông Hậu, tỉnh Sóc Trăng hiện có 10 trường phổ thông dân tộc nội trú, gồm 102 lớp học với hơn 3.400 học sinh, 134 trường phổ thông có tổ chức dạy chữ Khmer tại 1.625 lớp với hơn 44.500 học sinh là con em đồng bào Khmer.
Theo AKP, để đảm bảo thực hiện tốt công tác bảo tồn, giữ gìn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Pali và chương trình học sơ cấp Pali; đồng thời, chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy tiếng Khmer, cũng như tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy tiếng Khmer.
AKP cho biết cùng với việc tổ chức dạy song ngữ tại các trường công lập trên địa bàn, các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer ở Việt Nam còn phối hợp với Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước vận động các chùa Phật giáo Nam tông Khmer tiếp tục mở và duy trì các lớp dạy chữ Khmer miễn phí cho chư tăng và con em đồng bào Khmer. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn tổ chức sản xuất, phát sóng chương trình tiếng Khmer trên các kênh sóng phát thanh, truyền hình nhằm phục vụ nhu cầu tiếp nhận thông tin bằng tiếng mẹ đẻ của người dân.
Kết thúc bài viết, AKP nhận định việc tổ chức dạy và học chữ Khmer trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung.
Từ góc tiếp cận đó, AKP nêu rõ: “Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ, trong đó có dạy tiếng nói và chữ viết là những chương trình, chủ trương hàm chứa các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, góp phần hình thành kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.