Khmer Times cho biết “ngôi chùa hơn 300 tuổi này bắt đầu mở lớp hơn 10 năm nay. Mỗi năm có khoảng 100 học sinh theo học trong khoảng 3 tháng. Chính quyền xã, huyện, tỉnh hỗ trợ về sách vở.” Theo tác giả, ngôi chùa này chào đón mọi người đến học, không phân biệt tuổi tác, thành phần và thường đông nhất là trẻ em từ 6 đến 7 tuổi. Nhiều vị sư từ các tỉnh Kiên Giang, An Giang cũng tới học để mở mang kiến thức.
Theo Khmer Times, cách chùa Giồng Lớn khoảng 40 km là chùa Ông Mẹt, tọa lạc tại phường 1, thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), nơi có có đông người đến học tiếng Khmer. Đây là 1 trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất của Trà Vinh, được công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 2009. Nhiều thế hệ các nhà sư đến từ các ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh được đào tạo và học tập nơi đây.
Bài viết dẫn lời Hòa thượng Thạch Oai, trụ trì chùa Ông Mẹt, cho biết việc dạy tiếng Khmer có ý nghĩa lớn trong việc phổ biến các chính sách đến người dân sử dụng ngôn ngữ này. Chương trình tiếng Khmer hiện có 12 cấp độ học khác nhau với 9 môn học như văn phạm Pali, văn phạm Khmer, dịch thuật Pali sang Khmer, ngữ văn Khmer, thơ văn Khmer, Phật học căn bản... Đến cuối mỗi khóa học, người học phải tham gia dự thi, trong đó phải hoàn thành 2 bài thi bắt buộc là Tập làm văn và chính tả-luyện từ. Thông thường, các em học khoảng 3 tháng là có thể nói và viết cơ bản chữ Khmer. Nếu muốn thông thạo thì cần học chuyên cần ít nhất 7 tháng trở lên.
Tờ Khmer Times cho biết thêm, ngoài những lớp học trong chùa, tỉnh Trà Vinh còn có Trường Trung cấp Pali - Khmer. Muốn vào trường này, học sinh cần tốt nghiệp trung học và sơ cấp Pali - Khmer hoặc tương đương. Trên địa bàn tỉnh hiện có 143 chùa Khmer tổ chức dạy chữ Khmer vào dịp Hè, thu hút hàng nghìn trẻ tham gia, là minh chứng cho sự thành công của địa phương trong việc đề cao truyền thống văn hóa dân tộc.
Kết thúc bài viết, tác giả khẳng định “Nhà nước ủng hộ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tại các cơ sở giáo dục phổ thông là người dân tộc Khmer có nguyện vọng, nhu cầu được học ngôn ngữ dân tộc của mình”.