Trang báo Nga đưa tin về Việt Nam. |
Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, bài báo nhắc lại sự kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 12/1986 thông qua chính sách "Đổi mới", đánh dấu bước khởi đầu cho sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Công cuộc cải cách được triển khai từ năm 1986 đã mang đến sự tăng trưởng đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam.
Bài báo nhấn mạnh Việt Nam đã từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu vào năm 1990, tổng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ ở mức 220 USD thì đến năm 2014, con số này đã tăng lên 2.052 USD. Dù trong hoàn cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành tựu đáng kể với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2015 đạt 6,%. Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo từ 2016-2020, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,5-7%/năm.
Theo bài báo, trong năm 2015, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu, đồng thời tham gia vào nhiều cơ chế khác như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các chuyên gia cho rằng đây thực sự là một thành tựu lớn.
Theo đánh giá của Viện kinh tế thế giới Peterson, với việc tham gia TPP, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn các quốc gia khác do sẽ được tiếp cận thị trường tiêu dùng khá lớn. Xuất khẩu quần áo, giày dép của Việt Nam có thể tăng 46%, đạt 165 tỷ USD vào năm 2025 nhờ thuế giảm xuống mức 0%.