Đại biểu Hồ Thị Minh, Đoàn ĐBQH Quảng Trị chia sẻ:
Lực lượng báo chí có vai trò hết sức quan trọng. Các nhà báo, phóng viên là những người cung cấp thông tin chính thống nhất đến bạn đọc. Các trang báo chính thống vẫn luôn được các cán bộ trẻ, Đảng viên tin tưởng tìm đọc để nắm bắt thông tin.
Tại Quốc hội, báo chí đã làm tốt chức năng thông tin. Cách đưa tin ở nghị trường không còn tình trạng giật tít, câu view, câu like.
Nghề báo là nghề nguy hiểm, đơn cử như với những đại án lớn như phòng chống tham nhũng, báo chí có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, bên cạnh lực lượng công an, đơn vị chức năng làm theo nhiệm vụ. Vì vậy thời gian tới cần có những quy định cụ thể hơn trong luật để bảo vệ những người làm báo. Hiện cũng đã có khá nhiều văn bản, quy định về việc bảo vệ báo chí trong quá trình tác nghiệp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH Đồng Tháp chia sẻ:
Tôi luôn ủng hộ hoạt động tác nghiệp của các phóng viên tại nghị trường. Thông qua báo chí, đại biểu Quốc hội có thể truyền tải nhanh nhất, hiệu quả nhất những thông điệp của mình đến cử tri hay các đối tượng giám sát... Báo chí là cầu nối giữa Quốc hội với cử tri, góp phần không nhỏ vào thực hiện nhiệm vụ đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Luật Báo chí và các văn bản dưới luật đã có quy định rất cụ thể về hoạt động tác nghiệp của nhà báo. Trong đó, có quy định cụ thể về việc các đơn vị, địa phương và Nhân dân có trách nhiệm hợp tác và bảo vệ báo chí khi nhà báo tác nghiệp. Nhưng có những tổ chức, đơn vị chưa thực hiện được như vậy. Đây đó, khi báo chí đến tác nghiệp vẫn không cho vào, không tiếp. Rồi khi xảy ra tình trạng hành hung các nhà báo, cơ quan bảo vệ pháp luật đến can thiệp còn chậm trễ. Đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật cần bảo vệ nhà báo khi họ tác nghiệp ở mọi lúc mọi nơi.
Đại biểu Vũ Ngọc Long, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước chia sẻ:
Báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác tuyên truyền các hoạt động Quốc hội đến với cử tri và Nhân dân, góp phần nâng cao vị thế, sức mạnh, uy tín của Quốc hội suốt nhiều năm qua.
Báo chí tại Nghị trường đã và đang làm rất tốt, đưa những giải pháp mang tính tích cực tới đông đảo cử tri. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với những nền tảng số xuất hiện, đòi hỏi bên cạnh sự chính xác, báo chí cần nhanh nhạy hơn nữa.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng trả lời chất vấn liên quan đến nền tảng số, thương mại điện tử. Bên cạnh tăng nội dung, báo chí cần có những giải pháp kỹ thuật để mật độ thông tin chính thống xuất hiện nhiều hơn các nền tảng để cử tri tiếp cận dễ dàng hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH Hải Dương chia sẻ:
Các nội dung đại biểu thảo luận tại Quốc hội đều được các cơ quan báo chí thông tin tích cực, toàn diện đến cử tri. Giúp cho cử tri tiếp nhận được những luồng tin chính thống, tích cực và hoạt động của đại biểu tại Nghị trường.
Theo tôi, mối quan hệ giữa báo chí và đại biểu Quốc hội là mối quan hệ hai chiều, chặt chẽ. Đại biểu Quốc hội thông qua báo chí nắm được những vấn đề nóng, cử tri quan tâm. Từ đó, cùng bàn thảo, đưa ra những chính sách, xây dựng và sửa đổi thể thế.
Thành công của các kỳ họp của Quốc hội có vai trò đóng góp không thể thiếu của công tác thông tin, tuyên truyền. Quốc hội tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, quyết liệt hành động vì lợi ích của nhân dân, luôn trăn trở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.
Qua báo chí, cử tri cả nước đã hiểu hơn các hoạt động của Quốc hội, tinh thần của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Nhờ báo chí mà các thông tin được “rộng đường dư luận”, khẳng định một điều, hoạt động của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, đoàn kết, dân chủ, gần dân, sát với thực tiễn hơn.