Tham dự có trên 100 đại biểu là các nhà nghiên cứu khoa học, quản lý Nhà nước và các nhà báo trong nước.
Phát biểu khai mạc, ông Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa nêu rõ: Để triển khai sâu rộng Nghị quyết số 09/NQ/TW, ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về “Xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, báo chí có vai trò, trách nhiệm quan trọng, góp phần trong việc tuyên truyền mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai, tổ chức thực hiện, nhằm đưa các Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Với hơn 40 tham luận, các đại biểu đã đi sâu đánh giá tiềm năng, lợi thế về biển, đảo của tỉnh Khánh Hòa, những nội dung trong Nghị quyết số 09/NQ/TW. Cụ thể như: Xây dựng và phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (vào năm 2030) phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc; là trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; những giải pháp xây dựng Khánh Hòa trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 09/NQ/TW, định hướng phát triển Khu kinh tế Vân Phong, phát triển ngành thủy sản.
Các đại biểu đánh giá Nghị quyết số 09/NQ/TW không chỉ dành riêng cho tỉnh Khánh Hòa mà được mở rộng cho cả khu vực Nam Trung Bộ, miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Qua đó, các tham luận nhấn mạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của nhà báo, các cơ quan báo chí sẽ góp phần tích cực trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế biển bền vững.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam cho biết: Khánh Hòa có lợi thế vượt trội về biển, đảo; có vị thế chiến lược; là một trong 5 trung tâm nghề cá của cả nước… Bởi vậy, phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển, không còn là nhiệm vụ riêng của tỉnh mà là trách nhiệm chung của cả nước.
Bàn về phát triển kinh tế biển ở thành phố Nha Trang, nhìn từ gốc độ kinh tế - sinh thái, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Võ Sĩ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học nhấn mạnh: Với nhiều tài nguyên được thiên nhiên ưu đãi, Nha Trang đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế biển bền vững của tỉnh Khánh Hòa, trong đó du lịch là ngành chủ đạo và đã đạt được nhiều thành tựu. Nếu du lịch kết hợp với việc nghiên cứu, nuôi biển công nghệ cao sẽ là hướng đi tạo ra những loại hình giải trí, sản phẩm du lịch mới.
Đối với công tác tuyên truyền của báo chí, nhiều đại biểu đưa ra các quan điểm tích cực, gợi mở những giải pháp vừa cụ thể, vừa mang tính bao quát. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Bên cạnh đội ngũ nhà báo hiện nay, Khánh Hòa cần xây dựng lực lượng chuyên trách làm công tác tuyên truyền đối ngoại, đủ mạnh về nhân lực và phương tiện để chuyển tải nhanh, chính xác tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là các chính sách, lĩnh vực cần thu hút đầu tư… ra cộng đồng quốc tế.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Hà Nội mới, cần đa dạng hóa các hình thức truyền thông về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bằng nhiều nội dung và hình thức đa dạng. Truyền thông về phát triển kinh tế biển bền vững không chỉ chú trọng đến công chúng trong nước mà phải mở rộng các nhóm đối tượng ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam...