Cân nhắc chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế
Việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện và UBND cấp xã là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận. Một số ý kiến đề nghị chỉ nên mở rộng đến cấp huyện, vì băn khoăn về năng lực, khả năng thực thi của cấp xã.
Các đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước)… cho rằng, hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh; đòi hỏi cơ quan, tổ chức tham mưu và chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định; do đó không phải cơ quan, tổ chức nào cũng được trao quyền ký kết thỏa thuận quốc tế.
Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang “mở rộng chủ thể ký thỏa thuận quốc tế tới cấp xã sẽ rất khó, bởi quan hệ quốc tế là vấn đề lớn, các văn bản phải thiết kế chặt chẽ, chính xác, khoa học. Trong khi đó, ở cấp xã, năng lực, kiến thức, cũng như trình độ tham mưu cho lãnh đạo của bộ máy giúp việc về công tác đối ngoại còn nhiều hạn chế". Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này đối với UBND cấp xã trong việc ký kết thỏa thuận quốc tế.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, không nên phân cấp cho nhiều chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, tránh dẫn đến sự thiếu thống nhất giữa các địa phương, đặc biệt giữa các địa phương có chung đường biên giới với cùng một quốc gia như ở Việt Nam. Nhiều đại biểu đề nghị, nếu mở rộng đến cấp huyện, cấp xã nên “khoanh lại cụ thể” đối với các huyện, xã ở khu vực biên giới; đồng thời giới hạn phạm vi, lĩnh vực cụ thể được ký kết; phải phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên
Đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Nguyễn Thanh Phương (thành phố Cần Thơ)… nhận định, việc quy định cụ thể ký kết văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp xã khu vực biên giới sẽ góp phần tăng cường quan hệ giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới, thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực này.
Một số ý kiến đề xuất xem xét bổ sung các chủ thể ký kết như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; tổ chức phi chính phủ; trường đại học; Ban Quản lý khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế thuộc quản lý của UBND cấp tỉnh… Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang) giải thích: “Trên thực tế, thời gian qua, các đơn vị này đã tham gia ký kết thỏa thuận quốc tế hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên tham gia”.
Thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt
Về ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến và Điểu Huỳnh Sang… đề nghị cân nhắc xem xét, sửa đổi quy định theo hướng ngôn ngữ được ký kết trong các thỏa thuận quốc tế phải được thực hiện song ngữ, bằng tiếng Việt và ngôn ngữ của bên ký kết nước ngoài. “Trường hợp hai bên thỏa thuận ký kết bằng ngôn ngữ thứ 3, phải có văn bản bằng tiếng Việt, đảm bảo chính xác về nội dung, thống nhất về hình thức với văn bản bằng tiếng nước ngoài của thỏa thuận quốc tế”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề xuất.
Từ thực tế phát sinh nhiều bất cập trong thực hiện thỏa thuận quốc tế các cấp, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị xây dựng quy trình rà soát, đối chiếu văn bản bằng tiếng Việt với văn bản tiếng nước ngoài để đảm bảo tính chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức. Quy định chung sẽ mang tính bắt buộc, áp dụng cho tất cả các chủ thể, cơ quan có thẩm quyền ký kết được quy định trong luật. Quy trình nêu rõ tính chính xác về nội dung giữa bản tiếng Việt và tiếng nước ngoài; thống nhất về hình thức từ cấp trung ương đến địa phương, các bộ, ngành, chuyên môn…
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét kỹ vấn đề ngôn ngữ trong thỏa thuận quốc tế và không đồng ý bản tiếng Việt chỉ là bản dịch lại từ bản tiếng nước ngoài. Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cho rằng, cần quy định rõ, văn bản thỏa thuận được lập, ký kết bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; hai bản có giá trị pháp lý ngang nhau; từ đó thể hiện lòng tự tôn ngôn ngữ của dân tộc.
Giới hạn nội dung ký kết thỏa thuận quốc tế của UBND cấp xã biên giới
Phát biểu giải trình, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, cơ quan trình sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tiếp thu, giải trình để hoàn thiện dự án luật đảm bảo chất lượng, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, để có thể trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Theo đó, dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế lần này làm rõ hơn khái niệm về thỏa thuận quốc tế, đặc biệt, phân biệt thỏa thuận quốc tế và các điều ước quốc tế trên 2 khía cạnh: Danh nghĩa ký kết và bản chất của thỏa thuận quốc tế. Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và Luật Thỏa thuận quốc tế (sau khi được Quốc hội thông qua) sẽ trở thành 2 đạo luật điều chỉnh lĩnh vực ký kết văn kiện quốc tế, văn kiện Việt Nam ký kết.
Liên quan đến thẩm quyền cho phép UBND cấp xã được ký thỏa thuận quốc tế, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: “Đây là vấn đề được thảo luận kỹ và xem xét hết sức thận trọng. Do đó, dự thảo quy định rất rõ thỏa thuận của UBND cấp xã ở khu vực biên giới; xuất phát thực tế từ nhu cầu của các tỉnh, nhất là các tỉnh có quan hệ cấp các xã với các nước láng giềng”.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, dự thảo quy định rõ, để đảm bảo chất lượng và năng lực ký kết, việc ký kết thỏa thuận của UBND cấp xã ở khu vực biên giới chỉ giới hạn trong một số nội dung như giao lưu, trao đổi thông tin, hợp tác quản lý biên giới theo điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký với các nước láng giềng. Bên cạnh đó, thỏa thuận quốc tế được ký nhân danh UBND cấp xã ở khu vực biên giới do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, cho phép.
“UBND cấp tỉnh của xã khu vực biên giới tham gia ký kết phải có trách nhiệm đối với các thỏa thuận này. Quy định khẳng định trách nhiệm của Chủ tịch UBND trong quản lý hoạt động đối ngoại tại địa phương”, Bộ trưởng nêu rõ.