Đây là lần đầu Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại phiên họp toàn thể tại hội trường. Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về sự cần thiết sửa đổi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và khái niệm tài sản công; tính thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật liên quan; nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công; công khai tài sản công...
Cần thiết ban hành Luật mới
Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật trong thời gian vừa qua. Việc sửa đổi sẽ thể chế hóa Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 về tài sản công, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quản lý chặt chẽ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực từ tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhấn mạnh trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành và đánh giá thực trạng quản lý tài sản nhà nước thời gian qua, Chính phủ đã xây dựng dự thảo với các nội dung khá đầy đủ. Đây là một nhận thức mới xác lập nhận diện về tài sản trong điều kiện hiện nay, khi đạo luật cũ chủ yếu quản lý vật tư nhà nước.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Hoàng Quang Hàm phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) thống nhất rất cao với quyết tâm của Ban soạn thảo cố gắng đưa vào luật hầu hết các tài sản mà theo Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định là tài sản công. Đặc biệt, đại biểu tán đồng với việc đổi tên luật thành Luật quản lý tài sản công và hướng đi của luật không chỉ nhằm quản lý chặt chẽ tài sản công mà còn đảm bảo sử dụng hiệu quả tài sản, phục vụ mục đích cơ cấu lại ngân sách và tạo nguồn lực cơ cấu lại nền kinh tế.
“Việc dự thảo Luật đưa ra những nguyên tắc quản lý, sử dụng bao trùm toàn bộ tài sản công; những chi tiết cụ thể có thể quy định ở các luật chuyên ngành theo tôi là hợp lý. Vì hơn bao giờ hết, cần có một đạo luật bao trùm để quản lý tài sản công một cách hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí, nhất là đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Vì vậy, việc sửa đổi luật theo tôi hết sức cần thiết nếu không nói là yêu cầu bức thiết đặt ra của thực tiễn” – đại biểu nhấn mạnh.
Khái niệm tài sản công phải đảm bảo tinh thần của Hiến pháp 2013
Thảo luận về khái niệm tài sản công, các đại biểu chưa đồng tình với quy định trong dự thảo Luật là: "Tài sản công là tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản công phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về Nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác. Tài sản công quy định tại Luật này không bao gồm tài sản là tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, quỹ ngoại tệ".
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Hà Thị Minh Tâm phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Theo đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam), khái niệm tài sản công là khái niệm rộng bao trùm tất cả các yếu tố thuộc sở hữu toàn dân và được nhà nước đầu tư, có rất nhiều vấn đề đã được đề cập đến tại các luật chuyên ngành như Luật đất đai, Luật khoáng sản, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo... Do đó, khi nghiên cứu, xây dựng nội dung luật này cần xem xét và rà soát kỹ đối tượng, phạm vi điều chỉnh đảm bảo không chồng chéo với các văn bản luật khác.
Đại biểu cho rằng không nên quá tham vọng vào một siêu dự luật có thể bao trùm tất cả mọi vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công thuộc sở hữu nhà nước. Bên cạnh đó, dự thảo luật này chỉ nên xây dựng theo một luật khung và tập trung vào một số đối tượng điều chỉnh cụ thể chưa được luật hóa trong phạm vi nhất định, tránh lan man chỗ thiếu, chỗ thừa khó thực hiện và không khả thi.
Mặt khác, qua nghiên cứu, khái niệm tài sản công được quy định tại Khoản 1, Điều 3 của dự thảo Luật chưa đầy đủ và đồng bộ với hệ thống pháp luật đã ban hành. Bởi tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đây có thể được xem là định nghĩa khá rõ ràng và cụ thể về thuật ngữ tài sản công.
Vì vậy, đại biểu đề nghị khái niệm tài sản công cần dựa trên quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013 để có được cách giải thích thuật ngữ cho phù hợp. Đồng thời đại biểu đề xuất: Khái niệm tài sản công bao gồm đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do nhà nước đầu tư quản lý hoặc xác lập quyền sở hữu, chiếm hữu sử dụng, định đoạt theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Đại biểu Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) cho rằng, khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật đã liệt kê 5 loại tài sản công, tuy nhiên trong đó có những loại tài sản công chưa cần đến sự đầu tư, quản lý của nhà nước thì bản chất thuộc về nhà nước như đất đai, tài nguyên... Điều 53 Hiến pháp năm 2013 khẳng định đất đai, tài nguyên, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Do vậy, đại biểu đề nghị cần điều chỉnh khái niệm tài sản công cho phù hợp.
Bảo nguyên tắc quản lý và sử dụng tài sản công
Các ý kiến cơ bản nhất trí nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công được quy định tại dự thảo thảo Luật, tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, làm rõ thêm. Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng mọi tài sản công đều được nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng cho mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đối tượng khác theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan. Nội dung này cần được xem xét là một phần trong chính sách quản lý tài sản công mà không phải là nguyên tắc quản lý tài sản công. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại kết cấu của nội dung này.
Nội dung này, đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng, quản lý và sử dụng là hai công việc khác nhau, cho nên có những nguyên tắc khác nhau cho người quản lý, sử dụng. Để bảo đảm tính hợp lý, nên thiết kế lại điều này theo hướng quy định tách bạch những nguyên tắc cho quản lý, cho sử dụng và nguyên tắc cho cả quản lý và sử dụng.
Đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) đề nghị dự thảo phải quy định đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013 theo hướng tài sản công thuộc sở hữu của toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Theo chương trình, sáng 11/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về hai dự án: Luật Đường sắt (sửa đổi) và Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).