Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) nêu rõ: Bộ Tư pháp luôn xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng để đưa các quy định của Luật Tiếp cận thông tin vào cuộc sống, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về nội dung, trách nhiệm cung cấp thông tin thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý.
Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hội nghị triển khai, sinh hoạt chuyên đề, tập huấn chuyên sâu, biên soạn, phát hành các tài liệu hỏi đáp… về nội dung này. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hạnh, các biện pháp tuyên truyền cần đa dạng hơn, trong đó hình thức tờ rơi, tờ gấp sẽ giúp người dân, đặc biệt là các đối tượng người dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo… nâng cao nhận thức, hiểu biết về quyền tiếp cận thông tin.
Bà Catherine Phuong, đại diện UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân là một trong những tiêu chí quan trọng để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Một trong những giải pháp nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân là triển khai có hiệu quả Luật Tiếp cận thông tin sẽ có hiệu lực từ 1/7/2018. Đây là văn bản quan trọng, quy định cụ thể quyền được tiếp cận thông tin của người dân và trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, bà Catherine Phuong cho rằng, thách thức hiện nay là triển khai Luật này có hiệu quả trong thực tiễn để người dân không chỉ biết về Luật Tiếp cận thông tin mà còn nắm rõ quyền của mình để có được thông tin. Qua đó, tăng cường sự tham gia của người dân trong việc giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Việc phát hành tờ rơi, tờ gấp là một trong những biện pháp để hỗ trợ người dân hiểu thêm nội dung của Luật.
Tại hội thảo, đại diện Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) đã giới thiệu về 2 loại tờ rơi, tờ gấp dành cho các đối tượng và trẻ em. Mỗi tờ rơi, tờ gấp có các nội dung về người có quyền tiếp cận thông tin; thông tin được tiếp cận; quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin; thông tin công dân được tiếp cận, tiếp cận có điều kiện và không được tiếp cận; trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin; thời hạn cung cấp thông tin theo yêu cầu…
Theo đó, công dân được tự do tiếp cận thông tin do cơ quan nhà nước công khai hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin. Cơ quan nhà nước công khai thông tin bằng cách: Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo; niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước và các địa điểm khác; thông qua việc tiếp công dân; thông qua họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn.
Đối với người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua: hệ thống phát thanh, truyền hình; tài liệu chuyên đề; tờ rơi, ấn phẩm; sinh hoạt cộng đồng…
Đối với người khuyết tật, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước thiết lập cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử có cung cấp chức năng cơ bản để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận thông tin.