Thảo luận tại tổ, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội nhất trí với việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, các ý kiến đề nghị nghiên cứu, tiếp tục làm rõ về phạm vi điều chỉnh cũng như một số nội dung của dự thảo Luật với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phù hợp, tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất và khả thi.
Theo đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình), Luật Giao thông đường bộ được ban hành từ năm 2008 và được xây dựng ban hành trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy, mặc dù một số nội dung đã điều chỉnh tuy nhiên chưa đồng bộ và cũng không còn phù hợp với hiện nay, có thể dẫn đến khó khăn trong việc duy trì trật tự giao thông…; đặc biệt là không có quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện còn chồng chéo, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật.
Từ những phân tích trên, đại biểu Trần Khánh Thu nhận định, việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ là cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, dễ áp dụng. Bên cạnh đó, cần có báo cáo đánh giá tác động nêu rõ hơn về quy định của Luật này tác động như thế nào đối với các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, nhất là các tội xâm phạm an toàn giao thông.
Từ những mục tiêu rất lớn đặt ra trong Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) nhận thấy, trong dự thảo Luật Đường bộ tại Điều 5 về các chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ và Điều 49 về chính sách phát triển đường cao tốc, chưa có chính sách bảo vệ môi trường.
Theo dự thảo, Điều 5 và Điều 49 chỉ nêu “tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu” mà chưa có chính sách “bảo vệ môi trường”. Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, đây là một thiếu sót trong chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ nói chung và chính sách phát triển đường cao tốc nói riêng. Bởi, từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chúng ta phải thực hiện các mục tiêu trong Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ với việc phải hoàn thành khoảng 9.000 km đường cao tốc, 29.795 km đường quốc lộ, 3.034 km đường ven biển đi qua 28 tỉnh, thành phố, chưa kể hệ thống giao thông đường bộ được thực hiện theo quy hoạch giao thông tại 63 tỉnh, thành phố, 705 huyện, 10.598 xã và các đường chuyên dụng khác.
Với quy mô phát triển kết cấu giao thông lớn như vậy trong cùng một giai đoạn, có thể nói cả nước sẽ như một “công trường” khổng lồ. Đại biểu cho rằng, việc ảnh hưởng đến môi trường sẽ là rất lớn nếu không có chính sách bảo vệ môi trường quy định ngay trong Luật Đường bộ, bảo đảm đồng bộ với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Góp ý vào dự án Luật Đường bộ, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) nêu rõ, tại Điều 76 của dự thảo Luật quy định về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, trong đó quy định một số nội dung về điều kiện của lái xe ô tô đưa đón học sinh. Tuy nhiên, tại Điều 46 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng quy định về xe ô tô đưa đón học sinh với các yêu cầu chung, bố trí quản lý trên xe ô tô... Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát lại và có sự đánh giá cụ thể về tính thống nhất giữa hai điều trên của hai dự thảo Luật.
“Nếu quy định chung chung, không cụ thể rõ ràng, có thể dẫn đến khó khăn cho người dân khi tham gia giao thông đường bộ. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp, rà soát để tránh những bất cập, vướng mắc khi luật ban hành, đồng thời bảo đảm tính khả thi khi luật được thông qua”, đại biểu nhấn mạnh.