Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trưởng Đoàn công tác số 3 của Bộ Quốc phòng về xây dựng Nghị định quy định chi tiết Luật Biên phòng Việt Nam chủ trì Hội thảo. Cùng dự có đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương; đại diện Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố và một số sở, ngành liên quan của Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương nhấn mạnh, hội thảo và tọa đàm là một hoạt động thiết thực nhằm thực hiện kế hoạch khảo sát thực tế phục vụ soạn thảo Nghị định qui định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam nhằm đảm bảo Nghị định sau khi được ban hành sẽ có tính khả thi cao và phù hợp với thực tiễn xã hội.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự cũng trao đổi về thực trạng quan hệ phối hợp giữa các đồn biên phòng, Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu Cảng Thành phố Hồ Chí Minh với chính quyền địa phương; những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đề xuất liên quan đến việc nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng biên phòng với các ban, ngành, địa phương; các đề xuất về chính sách, chế độ đối với lực lượng bộ đội biên phòng cũng như các kiến nghị về công tác đầu tư trang thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ biên phòng.
Đại diện Hội đồng nhân dân và các sở, ngành Thành phố cho rằng, dự thảo lần hai Nghị định đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; mang tính khái quát cao nhưng cũng nêu được những vấn đề chi tiết, cụ thể. Tuy nhiên, theo các đại biểu, dự thảo Nghị định cần bổ sung, hoàn thiện thêm để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật cũng như tính khả thi khi áp dụng vào cuộc sống. Trong đó, cần bổ sung các hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về quản lý sử dụng phương tiện phục vụ nhiệm vụ biên phòng; cơ chế, biện pháp, trách nhiệm phối hợp giữa bộ đội biên phòng và các bộ, ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ biên phòng.
Đặc biệt quan tâm đến vai trò của lực lượng biên phòng tại địa bàn biên giới, hải đảo, các đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị định cần bổ sung cụ thể về nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với nhân dân tại vùng biên giới, hải đảo. Bên cạnh đó, Nghị định cũng cần quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm trong phòng, chống tội phạm, vi phạm; bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới, cửa khẩu của bộ đội biên phòng, tránh sự trùng lặp, chồng chéo về thẩm quyền với các lực lượng khác như công an, hải quan.
Thay mặt Đoàn công tác số 3, Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương ghi nhận, đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đơn vị, ngành, địa phương liên quan đối với Luật Biên phòng Việt Nam; khẳng định sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến để chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự thảo lần 3 gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước 4/6/2021.
Trước đó, cùng ngày, Đoàn công tác số 3 Bộ Quốc phòng đã tiến hành khảo sát thực tế phục vụ công tác soạn thảo các Nghị định quy định chi tiết Luật Biên phòng Việt Nam tại Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu Cảng Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam gồm 5 chương, 31 điều, tập trung quy định chi tiết ba điều khoản Luật Biên phòng Việt Nam có nội dung liên quan đến công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng; hệ thống tổ chức của bộ đội biên phòng; chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với bộ đội biên phòng. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, cùng thời điểm với thời hiệu thi hành của Luật Biên phòng Việt Nam.