Theo bài báo, dịch ASF đang khiến những người chăn nuôi lợn trên khắp thế giới hết sức lo ngại. Tuy nhiên, Việt Nam vừa thông báo đã đạt bước đột phá khi cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam thông báo đã sản xuất thành công loại vaccine hiệu quả và là vaccine thương mại đầu tiên phòng ngừa dịch bệnh ASF trên thế giới. Bài báo dẫn xác nhận của Cơ quan Nghiên cứu nông nghiệp (USDA) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ trong một bức thư chính thức gửi Cục Thú y Việt Nam nhấn mạnh tính an toàn và hiệu quả của loại vaccine NAVET-ASFVAC chống ASF được phát triển tại Việt Nam.
Trước đó, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã tổ chức họp báo để công bố việc sản xuất thành công vaccine phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi. Vaccine NAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (NAVETCO) là vaccine thương mại đầu tiên trên thế giới chống lại dịch bệnh này. Bài báo dẫn lời ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, từ tháng 2/2020, việc nghiên cứu, sản xuất vaccine chính thức được thực hiện cùng với sự hợp tác của các chuyên gia Mỹ và từ tháng 7/2020, bộ cho phép nhập khẩu chủng giống virus ASF đã được giảm độc lực dùng để nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng, chống bệnh ASF tại Việt Nam. Theo quan chức này, khi nhận được chủng virus từ USDA tháng 9/2020, NAVETCO đã nhanh chóng triển khai nghiên cứu và tiến hành 5 lần thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Kết quả thử nghiệm cho thấy 100% số lợn được tiêm phòng đã được bảo vệ khi tiếp xúc với chất độc trong phòng thí nghiệm. Trong điều kiện sản xuất, hơn 80% số lợn được tiêm phòng đã được bảo vệ. Khả năng miễn dịch kéo dài đến sáu tháng sau khi được tiêm phòng.
Dự kiến, đầu tháng 7 này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam sẽ công bố chính thức và cấp phép phân phối vaccine phòng ASF.
Tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên lợn, xuất hiện lần đầu tiên tại châu Phi vào năm 1921. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, bao gồm cả lợn nuôi các loại và lợn rừng. Bệnh này gây tỷ lệ chết lên đến 100%.