Chiều 21/12, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- VCCI) tổ chức Diễn đàn Bảo hiểm nông nghiệp với chủ đề “Nhận diện thách thức, thúc đẩy tăng trưởng”.
Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, bảo hiểm nông nghiệp là một sản phẩm bảo hiểm truyền thống nằm trong số hơn 500 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ hiện hành trên thị trường bảo hiểm thế giới (bao gồm trên 250 sản phẩm bảo hiểm tài sản, gần 200 sản phẩm bảo hiểm con người và xấp xỉ 100 sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm).
Theo ông Phòng, dù Chính phủ cũng như ngành nông nghiệp liên tục có chính sách “trải thảm” để mời gọi các doanh nghiệp tăng đầu tư, nhưng đến nay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực này vẫn quá khiêm tốn. Một trong những lý do hàng đầu là đầu tư vào nông nghiệp lợi nhuận thấp, rủi ro cao.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, và đa phần có quy mô vốn nhỏ (doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 55%).
Ngoài ra, rất ít doanh nghiệp đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp dựa vào việc khai thác nguồn lực tự nhiên như đất đai, nước, chưa quan tâm đầu tư một cách căn cơ, ứng dụng khoa học công nghệ, hoặc đầu tư thiết bị hiện đại, chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng.
Diễn đàn Bảo hiểm nông nghiệp với chủ đề “Nhận diện thách thức, thúc đẩy tăng trưởng” . Ảnh: H.V |
Về bảo hiểm nông nghiệp, theo các chuyên gia bảo hiểm nông nghiệp, Việt Nam đã thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tới lần thứ 4. Tuy nhiên, trong gian đoạn thí điềm vừa, các công ty bảo hiểm chỉ thu được phí là 394 tỷ đồng nhưng đã phải bỏ ra tới 712 tỷ đồng để trả tiền bảo hiểm. Do vậy, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chưa mặn mà tham gia.
Do vậy, bà Hoàng Thị Tính, Tổng giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) cho biết, bảo hiểm nông nghiệp đòi hỏi vốn lớn, có số đông người tham gia bảo hiểm, cần kênh phân phối lớn, nhưng ít doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu này. Số liệu thống kê dịch bệnh thiếu chính xác nên nhiều doanh nghiệp không có số liệu đánh giá. Trong khi đó, người nông dân lại không có nhiều tiền để đóng bảo hiểm cao.
Bên cạnh đó, bà Tính cho biết, khâu đánh giá rủi ro cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu hết tập quán sản xuất của người nông dân. Trong khi đó, khu vực nông thôn lại thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh, ẩn chứa nhiều rủi ro. Do vậy, khó thu xếp được các trương trình tái bảo hiểm, vì các nhà tái bảo hiểm không có số liệu chính xác để đánh giá.
Hơn nữa, quy trình trồng trọt, chăn nuôi còn chưa phù hợp, thiếu sự kiểm soát. Số liệu thống kê khó thu thập và không đáp ứng được yêu cầu đánh giá. Nông dân còn sản xuất manh mún. Năng lực bảo hiểm của doanh nghiệp Việt Nam hạn chế.
Theo ông Hoàng Xuân Điều, Đại diện Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, người dân chưa biết nhiều về bảo hiểm nông nghiệp và còn có tâm lý đợi hỗ trợ từ Nhà nước, nên ít người muốn mua bảo hiểm nông nghiệp.
Kiến nghị về các giải pháp trong thời gian tới, ông Điều cho rằng, cần tiếp tục thí điểm, mở rộng bảo hiểm nông nghiệp để người dân được hưởng lợi từ chính sách này. Các doanh nghiệp bảo hiểm cần chủ động hơn trong việc thiết kế các sản phẩm. Nhà nước cần tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật nông nghiệp, hỗ trợ hoàn thiện quy trình quản lý rủi ro…
Còn theo bà Hoàng Thị Tính, Tổng giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC), không nên giới hạn số lượng doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp, không tạo ra rào cản, không giới hạn số chi nhánh ở các tỉnh. Hiện ABIC có 18.000 đại lý, rất thuận lợi để tiếp cận bà con nông dân.
Ngoài ra, cần ưu đãi về giảm thuế, trích lập dự phòng, cung cấp số liệu về tổn thất để cung cấp cho các nhà tái bảo hiểm, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi trồng. Giám sát quá trình hợp tác, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.