Nam Định: Cơn bão số 5 với sức gió giật cấp 7 tại Nam Định, lượng mưa phổ biến từ 20-30 mm, đã không gây nhiều thiệt hại tại các địa phương trong tỉnh. Theo báo cáo cập nhật đến 9 giờ ngày 1/10 của Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nam Định, toàn tỉnh có 5.000 ha lúa mùa bị đổ nghiêng, trong đó phần lớn là các giống lúa đặc sản tập trung tại các huyện ven biển, gây thiệt hại gián tiếp đến sản xuất lúa vụ này do làm lây lan và phát triển nhanh bệnh bạch lá, nhất là đối với những diện tích lúa trỗ sau ngày 20/9.
Về đê điều, thuỷ lợi, bão số 5 đã làm sạt lở kênh xả tiêu ngoài đê thuộc khu vực trạm bơm Hồng Hà (bối Hồng Hà) thuộc huyện Mỹ Lộc với khối lượng sạt lở khoảng 1.500 m3, mỗi bờ sạt sâu vào khoảng 4-5 m, tổng chiều dài đoạn sạt 150 m, trong đó 10 m ăn sâu vào chân bối, 20 m sát vào nhà dân. Tại huyện Hải Hậu, chính quyền đã huy động 200 người để xử lý sạt lở mái kè bãi tắm Thịnh Long với khối lượng 70 m3 đá hộc, 20 rọ thép.
Để chủ động đối phó với bão, lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục củng cố bờ vùng, bờ bao; kiểm tra thiết bị để chủ động chống úng đề phòng mưa lớn; khẩn trương thu hoạch rau màu hè thu và những diện tích lúa mùa đã chín; chủ động tu sửa các công trình đê điều bị hư hỏng và khắc phục các sự cố.
Yên Bái: Rạng sáng 1/10, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có mưa vừa kèm theo gió lốc gây thiệt hại nặng về nhà cửa và hoa màu. Tại huyện Văn Yên, gió lốc đã làm sập hoàn toàn 1 nhà, làm tốc mái 31 nhà; riêng xã Tân Hợp mưa và gió lốc đã làm đổ một số diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch. Trước tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Văn Yên đã cử cán bộ về xã Tân Hợp hỗ trợ gia đình bị sập nhà 5 triệu đồng. Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão của huyện cũng đã có công điện yêu cầu chính quyền và các ban ngành đoàn thể vận động nhân dân giúp nhau sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống và tập trung cứu lúa.
Từ ngày 30/9, do ảnh hưởng của bão số 5, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có mưa trên diện rộng, lượng mưa nhỏ giao động dưới 32mm. Dự báo, mưa còn kéo dài trong 2 ngày tới, tình hình mưa bão tiếp tục diễn biến phức tạp do cơn bão số 6 đang dần tiến vào đất liền.
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái yêu cầu các địa phương, ngành chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chỉ đạo nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh gọn lúa vụ mùa, chuẩn bị các điều kiện cần thiết đề phòng mưa lũ. Các địa phương kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sống ở những vùng trũng thấp, ven sông suối, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để có phương án di dời; bố trí lực lượng cảnh giới tại các bến đò, đường tràn, những đoạn đường giao thông dễ bị ngập; nghiêm cấm hoạt động đối với các phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn hoặc không có đủ các thiết bị cứu sinh; cấm không cho người vớt củi, lội qua, đi bắt cá… trên các sông, suối khi đang có lũ. Bên cạnh đó, kiểm tra hệ thống an toàn hồ đập và các công trình đang thi công, thực hiện nghiêm các quy trình vận hành, những công trình nguy cơ có thể xảy ra sự cố phải khẩn trương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Các đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ và thường xuyên thực hiện chế độ báo cáo. Cơ quan thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định và thường xuyên báo cáo tình hình về UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
Quảng Bình: Trong mấy ngày qua, mưa lớn trên diện rộng đã khiến nước trên các sông dâng cao và gây ngập lụt trên diện rộng ở Quảng Bình. Đến 8 giờ ngày 1/10, nhiều xã của huyện Minh Hóa bị ngập sâu. Vùng rốn lũ Tân Hóa nước đã ngập hơn một mét. Đường Hồ Chí Minh và đường 12A bị chia cắt, các vùng như Phú Nhiêu, Thượng Hóa nước ngập nên chưa thể tiếp cận được.
Theo ông Đinh Hồng Hộ, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, tuy nước lũ chưa đạt đỉnh như năm 2010 nhưng nếu còn mưa trong vài ngày tới thì rất có thể thực trạng lũ lụt như năm 2010 tái diễn. Hiện tại, công tác kiểm tra và phòng chống bão lụt đang diễn ra gấp rút.
Tại huyện Tuyên Hóa, đã có hơn 300 nhà dân bị ngập từ 0,5 - 1,5 m. Nước sông tại Mai Hóa đã lên xấp xỉ báo động 3. Quốc lộ 15 bị ngập và chia cắt tại 3 điểm là cầu Quang Hóa, Khe Đành, Khe Bẹ; khu vực Khe Nét bị sạt lở nghiêm trọng; hơn 400 ha lúa bị ngập và có thể mất trắng. Công tác di dời dân ra khỏi vùng lũ đang được gấp rút tiến hành.
Ông Lê Nam Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, trước mắt sẽ di dời người già và trẻ em ra khỏi vùng bị ngập và khẩn trương tiến hành các công tác tìm kiếm cứu nạn.
Tại các xã vùng nam và vùng cồn bãi ở huyện Quảng Trạch, nước lũ bắt đầu vào nhà dân và dâng cao, hơn 250 ha lúa bị ngập sâu. Ông Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: Nước bắt đầu dâng cao và rất có thể lũ như năm 2010 lại về. Huyện đã triển khai công tác phòng chống bão lụt và tuyên truyền người dân thực hiện 4 tại chỗ để tránh những tổn thất có thể xảy ra.
Hữu Chiến - Hoàng Ngọc - Nguyễn Đức Thọ