Theo bài viết, kinh tế Việt Nam kể từ khi tiến hành Đổi mới đến nay đã trải qua 3 giai đoạn phát triển: từ 1991 - 1995, tăng trưởng rất nhanh nhờ vào những lợi ích có được trong thời kỳ đầu của mở cửa; từ 1996 - 2011, rơi vào trạng thái đình trệ do chịu ảnh hưởng bởi 2 cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài; từ 2013 - 2020, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động ngang bằng với thời kỳ đầu Đổi mới mở cửa, mặt khác đóng góp của việc tích tụ vốn cho sự tăng trưởng năng suất lao động lại giảm đi, điều đó có nghĩa là động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chuyển dịch từ chỗ dựa vào đầu tư lớn sang dựa vào hiệu suất lao động.
Năm 2020, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng khắp toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm sâu, Việt Nam không những kiểm soát tốt dịch bệnh mà còn duy trì được tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 2,91%, được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ghi nhận là một trong những nước có thành tích kinh tế tốt nhất thế giới. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2021, kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng cao tới 6,5%/năm.
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản đã đưa ra các mục tiêu chiến lược phát triển về cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho Việt Nam, tương ứng với các dấu mốc vào năm 2025, năm 2030 và năm 2045, trong đó đặt trọng tâm vào thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đổi mới khoa học công nghệ, chuyển đổi mô hình kinh tế số.
Bài viết cho biết Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng XIII nhấn mạnh để giải quyết vấn đề sức sản xuất, trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ tập trung thúc đẩy hiện đại hóa ngành công nghiệp và đổi mới khoa học kỹ thuật; chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ chuyển dịch trọng tâm từ số lượng sang chất lượng; chú trọng các dự án có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, mô hình quản lý hiện đại, có quan hệ chặt chẽ với kinh tế trong nước, đồng thời, sẽ thực hiện các biện pháp đồng bộ để hoàn thiện hơn nữa thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.
Do đó, Việt Nam tuyên bố thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đề ra nhiệm vụ phát triển kinh tế kỹ thuật số, xã hội kỹ thuật số và Chính phủ kỹ thuật số, kết hợp chặt chẽ giữa Chính phủ kỹ thuật số với cải cách bộ máy hành chính, lấy công khai minh bạch để nâng cao hiệu quả phục vụ và năng lực vận hành của cơ quan các cấp, giải quyết vấn đề xơ cứng hóa về thể chế.
Bài viết dẫn lời Giáo sư Kenichi Ohno thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản kiêm Cố vấn Chính phủ Nhật Bản về hợp tác với Việt Nam, cho rằng kinh tế Việt Nam những năm gần đây tuy đạt mức tăng trưởng nhanh, song về phương diện xây dựng chính sách phát triển vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề mang tính kết cấu tầng sâu.
Do đó, Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào việc nâng cao các yếu tố cơ bản của sức sản xuất, như quản trị doanh nghiệp, năng suất của nhà máy, kỹ năng của công nhân, hiệu lực hiệu quả của nền hành chính; đồng thời cho rằng nếu như môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến đầu tư có sức hút mạnh nhất ở khu vực Đông Nam Á.