Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương giới thiệu, quán triệt Quy định “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giới thiệu Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giới thiệu Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết sát tình hình địa phương, đơn vị
Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá công tác phục vụ Hội nghị có tiến bộ với điểm cầu trực tuyến nhiều hơn, đại biểu tham dự đông hơn, tinh thần học tập nghiêm túc hơn. Hơn 405.000 đại biểu đã tham dự Hội nghị tại hơn 2.759 điểm cầu trực tuyến. Nhiều tỉnh, thành phố đã nối đường truyền tới cấp huyện và cấp xã.
Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các tổ chức đảng thời gian tới tiếp tục tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8 ở địa phương, đơn vị cho số cán bộ, đảng viên chưa được dự Hội nghị hôm nay theo Hướng dẫn số 72-HD/BTGTW, ngày 26/10/2018 của Ban Tuyên giáo Trung ương, bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ.
Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các tổ chức đảng bố trí thời gian hợp lý, thỏa đáng để thảo luận chương trình, kế hoạch hành động sát hợp với tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị, với những giải pháp cụ thể, lộ trình thích hợp, nguồn lực bảo đảm, trách nhiệm rõ ràng, nỗ lực và quyết tâm hành động để đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Trong thực hiện Quy định “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” ở các đơn vị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị tiếp tục thực hiện Quy định 101 về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp", Quy định 55 về "Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên", trong đó chú ý việc nêu gương của các đồng chí trong cấp ủy.
Đối với Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu nghiên cứu tài liệu đầy đủ, nắm chắc tình hình. Trong thời gian sắp tới, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để có các bộ tài liệu tham khảo sâu, sinh động liên quan tới phát triển kinh tế biển bền vững.
Đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về cách làm mới, kinh nghiệm hay, mô hình tốt trong thực hiện các Nghị quyết Trung ương. Các cơ quan báo chí của Trung ương, địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền thực hiện nghị quyết; tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Các cấp ủy tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức học tập và thực hiện nghị quyết một cách thường xuyên. Cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết, biểu dương, khen thưởng những đơn vị làm tốt, nhắc nhở, phê bình, xử lý theo quy định của Đảng đối với các đơn vị, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả.
Trước đó, trong cuối buổi sáng và chiều 23/11, Hội nghị đã nghe Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giới thiệu, quán triệt các nội dung trong Kết luận về tình hình kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Ban Chấp hành Trung ương nhất trí đánh giá, 9 tháng đầu năm 2018, nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Dự báo, đến cuối năm 2018, có thể hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 6,6 - 6,8%, quy mô GDP khoảng 240,5 tỉ đô la Mỹ. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; nợ công có xu hướng giảm.
Xuất khẩu ước đạt 2 tỉ đô la, tăng 11,2% so với năm 2017; xuất siêu hơn 3 tỉ đô la Mỹ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc duy trì ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở cả thành thị và nông thôn được cải thiện rõ rệt. Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, gần 40% số xã của cả nước đã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn 5,2 - 5,7%...
Trung ương khẳng định, những kết quả, thành tích đạt được trong năm 2018 đã góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong nửa đầu nhiệm kỳ khoá XII, tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 và 5 năm 2016 - 2020.
Trên cơ sở phân tích, chỉ rõ những khó khăn, thách thức, những yếu tố tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Ban Chấp hành Trung ương xác định, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đề ra cho cả năm 2018. Trong năm 2019, tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực ứng phó với những biến động bất thường của thị trường, nhất là thị trường thế giới; duy trì đà tăng trưởng trên cơ sở cải thiện thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với phát triển kinh tế, cần chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giới thiệu Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao với những nhận định, đánh giá về kết quả của việc thực hiện Nghị quyết số 09, đồng thời nhất trí ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển. Trung ương xác định, đến năm 2030 phấn đấu đạt các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo.
Tăng trưởng kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển ngày càng cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước; đóng góp GRDP của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 - 70% GDP cả nước. Chỉ số phát triển con người (HDI) các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; đáp ứng được các yêu cầu thiết yếu của người dân sống trên các đảo…
Trung ương chỉ rõ: Phải kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, nhất là chất thải nhựa đại dương; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển bền vững kinh tế biển với xây dựng xã hội gắn kết hài hòa với biển; bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về biển...
Trung ương nhấn mạnh: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên các vùng biển, đảo để phát triển bền vững kinh tế.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cần quan tâm chuyển từ kinh tế biển chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, khoa học công nghệ, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam. Trung ương nhấn mạnh, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học - công nghệ; khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển...