Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang): Áp lực giải ngân cùng lúc nhiều nguồn vốn
Tính đến thời điểm này, kết quả giải ngân vốn đầu tư công về tỷ lệ phần trăm thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù Chính phủ đã rốt ráo chỉ đạo thực hiện, kiểm tra tháo gỡ khó khăn từ đầu năm.
Theo đó, tổng thể có rất nhiều nguyên nhân từ việc trình tự thủ tục còn nhiều, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh như: giá cả nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, hay ý thức trách niệm người đứng đầu, phối hợp giữa các cơ quan tổ chức chưa đồng bộ…
Điều đáng nói, năm nay tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Bởi, ngoài vốn đầu tư công trung hạn tập trung giải ngân vào năm nay rất nhiều, vốn của chương trình phục hồi kinh tế phải giải ngân cũng rất lớn. Tổng nguồn vốn lớn nên áp lực giải ngân lớn và khó khăn. Vấn đề là cần các biện pháp thúc đẩy thực hiện, để sử dụng hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng.
Đầu tư công tạo ra các công trình hạ tầng, nền tảng cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các ngành, lĩnh vực, địa phương. Bên cạnh đó là nguồn cung tiền cho nền kinh tế để kích cầu, thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng tăng trưởng. Từ đó, bù đắp cho những vấn đề khó khăn, thách thức mà một số lĩnh vực hiện nay gặp phải bất lợi do các yếu tố khách quan.
Những tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế thấp bởi các yếu tố thị trường quốc tế như: giá nhiên, nguyên vật liệu, sản xuất do vậy bị ảnh hưởng rất lớn, lao động việc làm cũng gặp khó khăn. Do đó, tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề giải quyết bài toán đầu tư công.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Còn dư địa tăng trưởng nhờ đầu tư công
Chính phủ đã đặt trọng tâm vào thúc đẩy 3 lĩnh vực đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Đây được xem là "cỗ xe tam mã" kéo tăng trưởng kinh tế đi lên trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, về xuất khẩu, tiêu dùng nội địa đang gặp khó, chỉ có đầu tư công còn cơ hội.
Giải ngân đầu tư công năm trước khoảng 500 nghìn tỷ đồng, năm nay dự kiến 700 nghìn tỷ đồng, tăng 40%. Mục tiêu cần nỗ lực rất lớn, bởi để kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu Chính phủ và Quốc hội đề ra, phải lấy đầu tư công làm động lực chính. Đây là cơ hội nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…
Đại biểu Lê Văn Dũng (Đoàn Quảng Nam): Gỡ nút thắt pháp luật về đầu tư công
Trước những khó khăn, tác động của tình hình thế giới và hậu quả của dịch COVID-19, kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những tháng đầu năm rất đáng ghi nhận. Song, tình trạng chung về sản xuất, kinh doanh, nhất là công nghiệp, thương mại dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn, nhiều lĩnh vực tăng trưởng thấp… Chẳng hạn như: Quảng Nam tốc độ tăng trưởng (GRDP) quý I/2022 âm gần 11%, lao động giảm gần 1.600 người…
Cùng với đó, thị trường bất động sản gần như đóng băng, doanh nghiệp, nhà đầu tư gần như không hoạt động trên thị trường này. Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư cơ bản thấp. Thực tế, giá cả hàng hoá thời gian qua tăng, trong khi hợp đồng ký kết không điều chỉnh giá khiến nhiều nhà đầu tư bỏ công trình, không tiếp tục thi công, không có khối lượng để giải ngân vốn đầu tư cơ bản. Từ những khó khăn này dẫn đến đời sống của người dân cũng khó khăn, công nhân không có việc làm, lĩnh vực thương mại, dịch vụ đình đốn.
Một trong nhưng nguyên nhân do hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh và lựa chọn nhà đầu tư… còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù với thực tiễn, gây lực cản lớn trong quá trình điều hành, thực hiện của chính quyền địa phương.
Nhiều nghị định, thông tư chồng chéo, gây khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công như việc điều chỉnh tăng vốn đầu tư của dự án đòi hỏi nhà đầu tư nộp thêm tiền vốn ký quỹ bồi thường đất, nếu không ký quỹ không được thực hiện. Trong khi diện tích dự án không tăng lên, khối lượng công việc tăng lên khiến vốn đầu tư của doanh nghiệp phải tăng theo, gây khó trong triển khai dự án.
Tiếp theo, biến động giá cả, vật tự đầu vào tăng cao, trong khi giá bán ra không tăng kịp gây khó khăn cho việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Mặt khác, quy định điều chỉnh nguồn vốn giải ngân chậm tại Luật Đầu tư cũng cần xem xét lại.
Theo quy định, nguồn vốn giải ngân chậm của cấp dưới như huyện, xã, giao Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh ra nghị quyết cho phép gia hạn vốn nếu không tiêu hết. Như công trình, dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Hội đồng Nhân dân cấp huyện, xã không được điều chỉnh, giao cho Hội đồng Nhân dân tỉnh điều chỉnh, trong khi nguyên nhân chậm giải ngân cấp huyện, xã nắm rõ nhất, dễ tháo gỡ nhất. Đây là nút thắt khiến cho việc triển khai đầu tư công còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt được kết quả đề ra.