Bên lề Quốc hội: Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu

Một số đại biểu phân tích làm rõ thêm nguyên nhân và giải pháp về tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm nên bỏ bê công việc.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho rằng, bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định).

Ông Vũ Trọng Kim cho rằng, vấn đề công chức sợ sai ở đây cần đề cập rõ phạm trù là đã sợ sai còn né tránh, đùn đẩy. Cái gì thuận lợi thì nhận vào bản thân, còn khó khăn thì đẩy cho tổ chức, người khác và bên ngoài... Đại biểu Vũ Trọng Kim nêu rõ: Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng nói rõ về những biểu hiện này và chỉ rõ các nguyên nhân. Theo đó, một bộ phận cán bộ sợ rằng cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng mạnh lên thì cán bộ nhụt chí, không dám làm. Đây là nguyên nhân nhạy cảm nhất mà các vị đại biểu Quốc hội chưa thấy đề cập tới.

Do đó, đề nghị từ nay, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan khác phụ trách các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm liên đới về những sai sót của tổ chức cơ quan, đơn vị cấp dưới để đảm bảo công bằng. 

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH Kon Tum) cho rằng, về hiện tượng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm là có. Đại biểu Tô Văn Tám nhận thấy hiện tượng né tránh trách nhiệm này có từ lâu rồi, không phải bây giờ mới có. Vấn đề ở chỗ dường như gần đây có vẻ phức tạp hơn và có vẻ nặng hơn. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH Kon Tum).

Theo đại biểu Tô Văn Tám, có một bộ phận do năng lực, trình độ hạn chế cho nên việc nắm bắt các quy định của pháp luật cũng hạn chế, cho nên làm gì cũng sợ sai, không dám làm, bởi vì năng lực có hạn chế. Mà không dám làm như vậy thì né tránh hoặc đùn đẩy. 

Hiện tượng này người dân ta vẫn hay nói là đối tượng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Vấn đề ở chỗ, bây giờ chúng ta làm sao rà soát, nắm chắc được tỷ lệ này là bao nhiêu để xử lý bộ phận này là một vấn đề. 

Theo báo cáo về kết quả đánh giá cán bộ năm 2021 thì có 1,72% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Khi trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng việc đánh giá cán bộ chúng ta chưa thật sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm, kết quả công việc, đầu ra và mặt khác cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, vấn đề ở chỗ chúng ta phải khảo sát bộ phận này là bao nhiêu để xử lý.

Về giải pháp, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, ngoài việc xử lý gắn trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm trong việc thực thi công vụ thì cũng cần phải cá thể hóa trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc tham mưu hoặc đề xuất sửa đổi, ban hành hoặc bổ sung, sửa đổi, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật hoặc ban hành trong thẩm quyền. Bởi vì, việc chậm ban hành văn bản chi tiết vẫn chưa khắc phục.

V.Tôn/Báo Tin tức
Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình KT-XH và ngân sách nhà nước
Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình KT-XH và ngân sách nhà nước

Sáng 1/6/2023, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN