Nhận thức rõ trách nhiệm người đứng đầu
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong phiên chất vấn, câu hỏi đều được tập trung vào những vấn đề được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm thời gian qua như: Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) đánh giá rất tích cực về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Phần trả lời đã đúng trọng tâm, rõ giải pháp, đáp ứng yêu cầu, mong đợi của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Theo đại biểu, rất nhiều vấn đề được hỏi cũng là những vấn đề nóng, khó và là điểm nghẽn đối với sự phát triển của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch như sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực du lịch, kinh tế đêm, sử dụng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, liên kết du lịch, cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch, chế độ đãi ngộ với đội ngũ vận động viên, nghệ sĩ, hay kinh tế thể thao, huy động nguồn lực xã hội để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao…
"Bộ trưởng đã giúp cử tri cả nước hình dung rõ hơn thực trạng, lý do của vấn đề, đặc biệt là giải pháp để tháo gỡ những điểm nghẽn này. Điều này giúp các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước có thêm sự tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với lĩnh vực này. Từ đó, giúp chúng ta thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững đất nước", đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Kim Yến (ThP Hồ Chí Minh) cho rằng, bốn lĩnh vực được chọn trong phiên chất vấn lần này đều là những vấn đề được nhân dân rất quan tâm. Những câu hỏi mà các đại biểu đặt ra cho các bộ trưởng rất sát với thực tiễn và có tác dụng rất lớn về mặt xã hội như giá vàng hay giá vé máy bay chưa được ổn định trong thời gian qua. Theo đại biểu, việc đưa ra những vấn đề "nóng" đang diễn ra trên thực tiễn cuộc sống cũng là một cách để các bộ trưởng nhớ nhiệm vụ của mình là rất tốt.
Theo đại biểu, trong phiên chất vấn lần này, các bộ trưởng đã trả lời đầy đủ những câu hỏi của đại biểu, đi vào đúng trọng tâm của vấn đề cũng như đưa ra phương pháp giải quyết trong tương lai.Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vẫn còn một số nội dung được nêu ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chưa rõ ràng, cụ thể. "Đại biểu đặt câu hỏi chung chung mà Bộ trưởng trả lời cũng chung chung, chưa đi đến cùng của vấn đề", đại biểu nêu ý kiến.
Sự điều hành mạch lạc, khoa học và linh hoạt
Trong 3 ngày diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi các nhóm vấn đề có trọng tâm, trọng điểm, thẳng thắn vào các nội dung "nóng", bức xúc, nổi cộm. Một số đại biểu tranh luận khá thẳng thắn, nghiên cứu sâu, sát vấn đề, mang tính xây dựng cao. Các bộ trưởng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trả lời các nhóm vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm một cách cụ thể, rõ ràng; nhìn thẳng vấn đề, đưa ra những giải pháp, cam kết cùng lộ trình rõ ràng để giải quyết những vấn đề được đặt ra.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng, Quốc hội đã lựa chọn những vấn đề chất vấn được dư luận cử tri và nhân dân quan tâm, liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội. Theo đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như Tổng Kiểm toán Nhà nước lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn, nhưng đã thể hiện nắm rất rõ các vấn đề trong lĩnh vực mình phụ trách, đồng thời trả lời rất rõ ràng được chủ tọa, Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội đánh giá cao.
Nhiều ý kiến cho rằng, các bộ trưởng, trưởng ngành rất sát sao, nắm rõ những vấn đề, đặc biệt là những vấn đề các đại biểu nêu - cũng là những vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Các vấn đề chất vấn được lựa chọn rất đúng và trúng, để không chỉ các bộ, ngành được chất vấn mà các ngành có liên quan phải tập trung giải quyết, để thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2024.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, đây là phiên chất vấn có rất nhiều bộ trưởng, trưởng ngành lần đầu tiên trả lời nhưng việc chuẩn bị cho chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 được chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo đại biểu, các cơ quan được lựa chọn chất vấn đã có những báo cáo rất cụ thể, đầy đủ để cho các đại biểu trên cơ sở đó đưa ra nhận định, đánh giá. Còn các đại biểu Quốc hội có tinh thần, trách nhiệm cao, nhiều phiên chất vấn dư ra vài chục người có nhu cầu đặt câu hỏi. Các bộ trưởng, trưởng ngành tuy là có những nội dung còn phải tranh luận, phải làm rõ nhưng cơ bản đã rất thẳng thắn, đưa ra được những giải pháp cụ thể.
Một thành công nữa của phiên chất vấn, theo đại biểu Trịnh Xuân An, đó là sự điều hành của chủ tọa, Chủ tịch Quốc hội. Dù mới nhậm chức một thời gian nhưng Chủ tịch Quốc hội đã có sự điều hành rất linh hoạt, mềm mại để cho người trả lời chất vấn cũng như người chất vấn có sự tự tin và có không gian để thể hiện những nội dung mà mình muốn truyền tải.
Các ý kiến cũng đánh giá cao sự điều hành mạch lạc, khoa học và linh hoạt của chủ tọa. Với những câu hỏi nằm ngoài nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời bằng văn bản - điều này giúp phiên chất vấn đi vào đúng trọng tâm, không bị dàn trải. Trong phiên chất vấn về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Chủ tịch Quốc hội "nhắc" Bộ trưởng dành thời gian để tập trung vào những giải pháp hết sức cấp thiết hiện nay. Sau từng nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đều có bài phát biểu kết luận ngắn gọn, cô đọng và tập trung nêu các nhóm giải pháp trọng tâm, định hướng cho các bộ, ngành triển khai kịp thời và hiệu quả…