Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị):
Vực dậy nền kinh tế từ doanh nghiệp
Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã tác động rất lớn, gây khủng hoảng về kinh tế, thậm chí còn hơn các thời kỳ trước đây. Tuy nhiên, Chính phủ đã điều hành linh hoạt, quyết liệt, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Điều này được thể hiện rõ qua việc Chính phủ đã kịp thời đưa ra các gói hỗ trợ về chính sách tài khóa, tiền tệ, cũng như an sinh xã hội...
Điển hình như trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ đã triển khai gói hỗ trợ lần 1 bao gồm cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, khoanh nợ, gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất...
Tuy nhiên, hiện Chính phủ vẫn rất nên có gói hỗ trợ thứ hai với mục tiêu vừa đảm bảo an sinh, vừa khôi phục nền kinh tế, đặc biệt là bảo đảm sự đứng vững và phát triển của doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay chính là vực dậy nền kinh tế bắt đầu từ doanh nghiệp.
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp như giảm thuế nhưng nếu họ không hoạt động thì sẽ không có nguồn thu và không thể có tiền để nộp thuế. Do đó, gói hỗ trợ thứ hai cần có chính sách tốt hơn để doanh nghiệp "sống lại" và đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế.
Đại biểu Đồng Sỹ Lợi (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá - Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban về các vẫn đề xã hội):
Hỗ trợ công bằng nhưng tránh "cào bằng"
Dẫn chứng về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước với người dân thời gian qua, đại biểu Đồng Sỹ Lợi nêu quan điểm, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo chính là đảm bảo công bằng xã hội. Tuy nhiên, phải tính đến yếu tố đảm bảo công bằng xã hội nhưng tránh kiểu "cào bằng".
Trong quá trình phát triển, công bằng xã hội cũng phải tuân thủ theo Hiến pháp, tức là đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Khi công dân muốn hưởng quyền lợi này thì cũng phải có nghĩa vụ; không nên "cào bằng" theo kiểu chỉ nghĩ đến quyền lợi mà không nghĩ đến sự đóng góp ngược lại với xã hội. Như vậy sẽ không đảm bảo sự công bằng.
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chương trình giảm nghèo bền vững thì có lúc, có nơi, có thời điểm đã thực hiện sự công bằng không đúng với ý nghĩa. Chính vì vậy, có những chính sách theo kiểu "cho không" hoặc cho vay nhưng lại thiếu điều kiện. Khi đó, sẽ thiếu đi ý nghĩa để thực hiện công bằng xã hội.
Ngay như tại Dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng nêu rõ phải tập trung giải quyết vấn đề công bằng xã hội về thực chất. Điều này có nghĩa là không để hiện tượng "cào bằng" vì sẽ tạo ra sức ỳ trong xã hội, dẫn đến sự mất bình đẳng giữa các đối tượng thụ hưởng, không tạo được động lực phát triển.
Theo đại biểu, Nghị quyết của Trung ương lần này nhấn mạnh yếu tố phải đảm bảo sự công bằng thực chất chứ không "cào bằng" như bấy lâu nay. Có như vậy, công bằng xã hội mới tạo được động lực để phát triển, thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Mục tiêu xây dựng xã hội phát triển phồn vinh, hạnh phúc bền vững chính là đảm bảo sự công bằng xã hội. Trong Hiến pháp cũng đặt ra yêu cầu luôn đảo bảo quyền và lợi ích cơ bản của công dân nhưng cũng phải gắn với quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất nước.
Đây chính là động lực để phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc bởi người dân không thể chỉ chờ hưởng lợi từ phía Nhà nước mà không có sự đóng góp, nghĩa vụ với dân tộc và đất nước.