Bên lề Quốc hội: Cán bộ ngành y đang mong chờ hoàn thiện hành lang pháp lý 

Theo Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội), nguyên nhân của những sai phạm của ngành y vừa qua, bên cạnh yếu tố chủ quan thì còn có nguyên nhân sâu xa là hệ thống pháp luật thiếu, không cập nhật kịp với tình hình.

Sau vụ việc cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị bắt vì liên quan đến những sai phạm trong vụ Việt Á, trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) - người nhiều năm gắn bó với ngành y tế , đã có những chia sẻ về bối cảnh khó khăn của ngành y và những việc cần làm để 'vực dậy' ngành y sau những biến động thời gian qua.

Thưa ông, gần đây, tại không ít bệnh viện công xảy ra tình trạng thiếu thiết bị, vật tư y tế, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh. Ông đánh giá vấn đề này ra sao?

Có một thực tế đang phổ biến tại các bệnh viện công trên toàn quốc, đó là thiếu vật tư y tế, thiếu thuốc men, sinh phẩm, thậm chí thiếu cả thiết bị y tế. Nguyên nhân là các giám đốc không "mặn mà", thậm chí ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế. Đây là thực tế khá phổ biến, đã được báo chí, xã hội lên tiếng phản ánh. Cá nhân tôi cũng thấy điều đó, có hiện tượng bị thiếu thuốc men, vật tư trang thiết bị… đây là điều đáng quan ngại vì hậu quả chủ yếu tác động đến người bệnh, đến nhân dân, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh vì họ phải mua vật tư, thuốc đó ở ngoài và cũng không quản lý được chất lượng, rất nguy hiểm.

Nguyên nhân là có nhiều. Nhìn bề ngoài, mọi người cho rằng vì bây giờ nhiều cán bộ y tế gặp sai phạm, từ cấp nhỏ như trưởng khoa cho đến cấp giám đốc bệnh viện, thậm chí lên đến cả Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Y tế; cho nên dẫn đến cán bộ y tế sợ không dám làm. 

Tuy nhiên, tôi cũng đã từng là người làm công tác quản lý trong ngành y và cũng là đại biểu Quốc hội, tôi nhận thấy một điều, nguyên nhân sâu xa là trong hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn còn nhiều chỗ còn thiếu, bất cập, không cập nhật kịp với tình hình. Thực ra cán bộ y tế đã được cử làm quản lý, thì tôi biết họ không phải kém, và cũng không phải ai cũng xấu cả. Nhưng vì lâu nay chúng ta thiếu một hành lang pháp lý chuẩn mực, đầy đủ, cho nên họ làm bị vướng,  bị sai. Nhất là chống dịch như chống giặc, rồi cứu bệnh như cứu hỏa, toàn những việc rất gấp cho nên rất dễ bị sai.

Còn một mặt nữa, không loại trừ có những người lúc bổ nhiệm có thể rất tốt, nhưng quá trình làm việc, vì có những kẽ hở mà cái lòng xấu, tính xấu của họ vượng lên thì họ đã làm việc đó, cho nên dẫn đến sai trái. Và cái đó thì tôi cũng không bào chữa. Vì nếu làm sai thì phải bị xử lý thích đáng. Nhưng tôi mong sao, rồi đây hành lang pháp lý thật tốt để đừng có những kẽ hở như vậy,  dẫn tới một số cán bộ quản lý trong ngành y tế  nổi lòng tham và làm những việc sai trái đó.

Theo ông, trong khi chờ hành lang pháp lý như ông nói, thì cần thực hiện các biện pháp trước mắt ra sao?

Tôi nghĩ cần là có những biện pháp trước mắt và biện pháp mang tính lâu dài. Biện pháp trước mắt là các cơ quan quản lý từ cấp Bộ đến Chính phủ phải nhanh chóng bổ sung, sửa chữa, điều chỉnh dựa trên cơ sở của Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 43 của Quốc hội để tháo gỡ ngay.

Hiện hành lang pháp lý chính thức là chưa có, nhưng cơ sở để điều chỉnh là có rồi. Rất mong các bộ, đặc biệt là Bộ Y tế, Chính phủ và một số bộ ngành nữa kịp thời làm ngay việc này để bảo đảm sự yên tâm cho các cán bộ quản lý của ngành y tế triển khai công việc, để có thuốc phục vụ cho người bệnh, có hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm.

Còn giải pháp lâu dài thì phải rà soát lại tất cả hệ thống pháp luật, văn bản pháp luật đã có, kịp thời nâng cấp, bổ sung vào những quy định để quy định đó làm cho những người làm công tác quản lý yên tâm với hành lang pháp lý chính thức. Đồng thời,  cần có hành lang pháp lý chắc chắn để cho người làm công tác quản lý nếu có lòng tham, định tư túi cũng không có cơ hội. Vì luật pháp đã đủ chặt, không cho họ làm điều đó và họ biết sợ không dám vi phạm, nếu vi phạm thì bị tù tội, mất hết chức vụ.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi phải là cả một quá trình, vì rất nhiều vấn đề liên quan, Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm, Luật Đấu thầu mua sắm, Luật về giá, Luật Y học dự phòng… đều cần phải sửa chữa lại.

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng cần có liệu pháp tâm lý vực dậy tinh thần cán bộ y tế để khám chữa bệnh cho nhân dân, ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho đây là vấn đề quan rất trọng, thậm chí ở giai đoạn này thì đây là những việc làm mang tính quyết định. Chính phủ rất cần thiết phải vào cuộc ngay, để trước hết phải động viên, hướng dẫn, tạo điều kiện để những người quản lý trong ngành y tế thấy được việc tốt, việc đúng phải làm ngay, còn việc xấu, việc sai trái thì phải tránh ngay.

Nhân dân, xã hội, cộng đồng cũng nên hết sức chia sẻ với ngành y tế lúc này. Bởi đả kích thì rất dễ và nghe thì cũng rất sướng, nhưng sự chia sẻ mới là vô cùng cần,  để người cán bộ quản lý ngành y tế vững tâm, bình tâm trở lại và an yên làm việc. Chúng ta phải thấy lợi ích cuối cùng là lợi ích cho người bệnh. Nếu để cho cán bộ quản lý ngành y tế còn lo lắng như thế này, còn ngần ngại như thế này thì  tác hại, ảnh hưởng lớn nhất vẫn là đến người bệnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Trang/Báo Tin tức
Rà soát, hoàn thiện phân bổ vốn phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực y tế
Rà soát, hoàn thiện phân bổ vốn phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực y tế

Ngày 7/6, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 1/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp của Tổ công tác rà soát, hoàn thiện phân bổ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN